Multimedia Đọc Báo in

Duy trì, củng cố lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở: Luật hóa là cần thiết

07:06, 19/10/2023

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại phiên thảo luận ngày 24/6/2023 Kỳ họp thứ 5; hiện đang được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Lực lượng nòng cốt bảo đảm ANTT cơ sở

Xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) có 11 thôn, buôn, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 97% dân số. Ông Y Tiếp Niê Kễn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul cho biết, do địa bàn rộng, đa thành phần dân tộc, tôn giáo cư trú nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, xã thường xuyên duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng và công an viên bán chuyên trách ở các thôn, buôn. Đây được xem là “cánh tay nối dài” trợ giúp đắc lực cho cấp ủy, chính quyền và Công an xã chính quy thực hiện các chủ trương, kế hoạch và biện pháp phòng cháy chữa cháy, bảo đảm ANTT, xây dựng và củng cố phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế trong quá trình hoạt động, giữa lực lượng dân phòng và công an viên thôn, buôn vẫn có sự chồng chéo, chưa thống nhất về chức năng, nhiệm vụ; chưa kể, do phụ cấp thấp, lại không được trang bị công cụ hỗ trợ... nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Với xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar), những năm trước mỗi thôn, buôn đều có một tổ an ninh tự quản (từ 5 - 6 thành viên dân phòng) và ít nhất một công an viên phụ trách. Đây được xem là "tai mắt" của buôn làng, lực lượng nòng cốt bảo đảm ANTT ở cơ sở. Họ là lực lượng tại chỗ được nhân dân bầu ra, rất thông thuộc địa bàn, hiểu rõ phong tục, tập quán, cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp về ANTT. Thế nhưng, từ năm 2021 đến nay, xã không bố trí được kinh phí hỗ trợ cho thành viên dân phòng nên đã giải thể các tổ an ninh tự quản thôn, buôn.

Công an xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) và các công an viên thôn, buôn ra quân tuần tra bảo đảm ANTT địa bàn.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thế Dương, Trưởng Công an xã Cư Dliê M’nông, từ khi giải thể các tổ an ninh tự quản đã gây nhiều khó khăn trong công tác bảo đảm ANTT địa phương. Bởi lực lượng Công an xã chính quy khá mỏng, đa số lại từ địa phương khác đến, ngoài nhiệm vụ bảo đảm ANTT còn phải thực hiện công tác hành chính khác, nên khó nắm sâu sát cơ sở.

Ông Y Ngoal Mlô (trú buôn Blă, xã Cư Dliê M’nông) cho hay, trước đây buôn Blă có tổ an ninh tự quản, họ thường xuyên tuần tra bất kể đêm - ngày, kiểm soát tình hình ANTT trong buôn, nên bà con khá yên tâm lao động sản xuất. Mỗi khi trong buôn xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, các thành viên của tổ đều đến hòa giải, xử lý kịp thời. Nay tổ tự quản của buôn không hoạt động nữa, tình hình trộm cắp vặt lại nổi lên nhiều, chỉ có một công an viên bán chuyên trách bám buôn thì khó kiểm soát hết.

Cần được luật hóa

Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng (đứng thứ 4 cả nước) với đa dạng các thành phần dân tộc (49 dân tộc cùng sinh sống). Hiện 100% xã, phường, thị trấn đã được bố trí Công an chính quy phụ trách, song lực lượng khá mỏng (trung bình 8,2 cán bộ/xã). Trước đây, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an viên thôn, buôn đều tham gia bảo vệ ANTT cơ sở. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều địa phương không bố trí được kinh phí hỗ trợ nên giải thể lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, gây khó khăn trong công tác hỗ trợ Công an xã chính quy bảo vệ ANTT địa phương. Chưa hết, theo quy định của HĐND tỉnh, thì chi phí hỗ trợ cho lực lượng này mỗi tháng cao nhất là 1.490 nghìn đồng/người, thấp nhất là 223 nghìn đồng/người. Với nhu cầu cuộc sống hiện nay mức hỗ trợ như vậy là quá thấp, trong khi chi phí xăng xe đi tuần tra nhiều, lại không có công cụ hỗ trợ… khó thu hút được người tham gia.

Công an chính quy xã Cư Né (huyện Krông Búk) và công an bán chuyên trách tuần tra.

Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay, hiện Đắk Lắk có 20.772 người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong đó có 1.066 thành viên bảo vệ dân phố, 17.899 dân phòng và 1.807 công an bán chuyên trách. Thực tế hiện nay, vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, hoạt động của các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội ở nhiều địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đa số các vụ, việc có liên quan đến ANTT đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội. Vì vậy, ngoài vai trò nòng cốt của công an chính quy cấp xã, rất cần sự tham gia tích cực của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng.

Theo Đại tá Hưng, trước yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết. Việc này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì, tăng cường lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng này gắn với tinh gọn đầu mối, giảm chỉ ngân sách nhà nước. Mặt khác, điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất; xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản dưới sự quản lý của chính quyền, tham gia hỗ trợ lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc