Multimedia Đọc Báo in

Khi cấp ủy sâu sát định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

08:45, 22/01/2024

Cụ thể hóa Nghị quyết 04 của Huyện ủy Krông Bông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đảng ủy xã Cư Pui đã chỉ đạo các chi bộ phát huy thế mạnh, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để chuyển đổi, phát triển, tạo hiệu quả rõ nét.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Y Kok M’Drang cho biết, trên cơ sở mục tiêu chung của Nghị quyết 04, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xác định rõ hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như: những vùng đồi trọc, đất trống tăng diện tích trồng rừng, cây thuốc lá và cây dứa; tận dụng đất đồi sau vườn phát triển chăn nuôi. Đảng ủy xã chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, xây dựng một số mô hình để nhân rộng và chuyển giao kỹ thuật ngay tại đồng ruộng. Mỗi chi bộ đã cùng vào cuộc và có hướng chỉ đạo phù hợp với đặc thù, điều kiện từng thôn, buôn.

Thôn Dhung Knung có 123 hộ với 540 khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc. Theo Trưởng thôn Dhung Knung Len Văn Chí, trước kia, người dân chủ yếu trồng cây điều, cà phê nhưng do không có vốn đầu tư và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên hiệu quả kinh tế thấp.

Sau khi có chủ trương của Đảng ủy xã, qua khảo sát thực tế, chi bộ đã chỉ đạo tập trung phát triển chăn nuôi dê. Cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể thôn đã tổ chức họp dân, phổ biến chủ trương chung, hướng dẫn các hộ tận dụng đất đồi bỏ hoang sau nhà làm chuồng nuôi dê. Để giải quyết bài toán về vốn đầu tư, các đoàn thể đã tín chấp cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi. Dự án giảm nghèo Tây Nguyên cũng đã hỗ trợ 40 con dê giống cho 20 hộ khó khăn.

Người dân thôn Dhung Knung thu nhập ổn định với mô hình nuôi dê.

Nhờ vậy, toàn thôn đã phát triển mô hình tận dụng đất đồi phát triển chăn nuôi dê với tổng số trên 400 con, nhờ đó nhiều hộ đã vươn lên khá giả. Đơn cử như gia đình đảng viên Ngân Văn Huỳnh (dân tộc Mường) cùng với phát triển cây cà phê, điều, lúa nước cũng đã chuyển từ chăn nuôi heo sang nuôi dê. Từ một cặp dê giống được hỗ trợ, đến nay gia đình anh đã duy trì đàn từ 10 - 15 con. Sau 3 năm chăn nuôi dê, gia đình anh đã bán được hơn 100 triệu đồng, sửa sang lại nhà cửa khang trang.

Tại thôn Ea Bar trước đây người dân chủ yếu trồng hoa màu và trồng mì. Sau nhiều năm, đất đai ngày càng bạc màu nên nhiều diện tích bị bỏ hoang. Chi bộ, ban tự quản, các đoàn thể của thôn đã tổ chức họp, vận động người dân chuyển đổi đất đồi sang trồng rừng và dứa. Đến nay, cây keo lai và cây dứa đã phủ xanh các đồi trọc trong thôn, mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình trong thôn. Chẳng hạn như gia đình anh Trần Công Thịnh đã trồng 6.000 gốc dứa, thu được khoảng 100 triệu đồng/vụ. Gia đình bà Dương Thị Vàng đã chuyển đổi 1 ha đất trồng sắn sang trồng keo lai thu được hơn 60 triệu đồng…

Người dân thôn Ea Bar tăng thu nhập từ chuyển đổi trồng cây mì sang trồng dứa.

Từ chủ trương đúng, chính sách hỗ trợ phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, ban tự quản, đoàn thể địa phương, xã vùng III Cư Pui đã có diện mạo mới trong phát triển kinh tế hộ. Người dân đã thoát khỏi suy nghĩ “trông chờ, ỷ lại” mà tự lực vươn lên. Năm 2023, xã Cư Pui phát triển được 1.703 ha rừng trồng (đạt 131% kế hoạch), 160 ha dứa, trên 38.570 con gia súc, gia cầm (đạt 120% kế hoạch); thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm (đạt mục tiêu nghị quyết).

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc