Multimedia Đọc Báo in

Phóng viên và trí tuệ nhân tạo

09:22, 27/06/2023

Ba năm trước, trong một buổi trò chuyện với các phóng viên chuyên mảng công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh, một chuyên gia công nghệ thông tin đã hỏi đùa: Người làm báo có nên hợp tác với ai?

Câu hỏi dí dỏm làm mọi người bật cười, vì đây chính là cách “chơi chữ”, bởi đối tượng “ai” nêu ra, vừa có thể là một người nào đó, vừa chính là phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI).

Đến nay, khi những phần mềm chatbot thông minh ngày càng nhiều hơn, nhiều người mới nhận ra, tốc độ phát triển của công nghệ số đang đòi hỏi người cầm bút phải thay đổi cách tác nghiệp. Nếu không muốn bị lạc hậu, phóng viên ngày nay có lẽ nên hợp tác với AI?

Những lợi thế hỗ trợ

Vấn đề này, thật ra đã đặt ra với các phóng viên mảng công nghệ từ khi khái niệm chatbot phổ biến. Là những phần mềm “nhúng” trong công cụ trực tuyến để tương tác với người dùng, có kỹ năng “học hỏi” và lọc thông tin, các phần mềm chatbot ngày một cải tiến, có thể tự tạo ra những văn bản hợp ngữ cảnh yêu cầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này khiến cộng đồng phải đặt câu hỏi, phải chăng sẽ đến một ngày, công cụ máy tính làm được những việc đơn giản trong viết lách hiện nay, tự cung cấp thông tin cho người đọc?

Đầu năm 2023, khi ChatGPT chính thức lan tỏa, các mạng xã hội đều đánh giá cao “kỹ năng viết” của chatbot này, gần như là một thư ký tổng hợp thông tin rất đầy đủ. Không ít đơn vị truyền thông ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã bất ngờ nhận ra, nhiều nhân viên chuyên sao chép, xử lý dữ liệu không thể làm việc tốt hơn phần mềm này. Tốc độ xử lý thông tin của phần mềm đã “đánh bật” con người để có được nhiều lựa chọn, giải pháp thông tin chính xác hơn.

Từ thực tế đó, một số nhà tư vấn đã chỉ ra những lợi thế mà một công cụ AI có thể hỗ trợ tốt cho người cầm bút, cụ thể là các phóng viên. Đó là khả năng tạo nội dung tự động, dựa trên dữ liệu đầu vào đồ sộ trên mạng Internet để tạo ra những bài viết tự động hóa dạng cơ bản. Đó là khả năng phân tích dữ liệu và xu hướng trong nhận định báo chí, từ việc tổng hợp nhiều nguồn thông tin, nhất là đa ngôn ngữ, để chọn ra những thông tin quan trọng và thú vị, giúp phóng viên nhanh chóng hiểu các chủ đề, phát hiện những gợi ý hay và tạo ra bài viết có chất lượng cao hơn.

Đó là tốc độ tối ưu quy trình tác nghiệp của phóng viên, từ việc tự động chuyển hóa lời nói thành văn bản, xử lý các định dạng văn bản, kiểm tra chính tả, tạo các trường nội dung cho các bài viết của phóng viên với tốc độ nhanh chóng. Đó còn là giúp phóng viên sử dụng tốt những công cụ tìm kiếm thông tin, có được những kết quả chính xác hơn, tránh được những lỗi sai sót, nhầm lẫn…, đặc biệt với những chủ đề quen thuộc, nhiều người quan tâm, rất dễ xảy ra sao chép. Việc này, còn đồng nghĩa với khả năng tự bảo vệ bản quyền và tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với người cầm bút.

Ảnh minh họa

Nhiều thách thức từ đạo đức nghề nghiệp

Những lợi thế công nghệ như vậy đã chứng tỏ khi các phóng viên biết sử dụng những phần mềm AI, công việc sẽ hiệu quả hơn nhiều và tốc độ, khả năng xử lý các bài viết tăng lên rất nhanh.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo sẽ không bao giờ thay thế được trí tuệ con người, nhất là khi gắn kết với những yêu cầu về sáng tạo ngôn ngữ và tình huống. Cho nên, sử dụng AI để tác nghiệp, phóng viên cần thấy rõ các nhược điểm, là không có khả năng tư duy sáng tạo, khám phá cảm xúc với các câu chuyện thú vị cho người đọc; không có tư duy phân tích, đánh giá sâu sắc, hợp logic ứng xử của con người; không giúp xây dựng các quan hệ trong giao tiếp giữa con người với nhau; và cuối cùng, là vấn đề đạo đức, trách nhiệm với các bài viết.

Theo một số phóng viên kỳ cựu, cần chú ý cân nhắc để đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy và đạo đức trong việc sử dụng AI cho các bài báo. Nếu AI có thể tự tạo ra thông tin, thì các thông tin đó cần được kiểm chứng, đánh giá kỹ càng, và phải được nêu rõ là do phần mềm công cụ tạo ra, người đọc không nên nhầm lẫn so sánh với bài viết do con người tạo ra. Nếu quá lạm dụng AI, người viết cũng sẽ rất dễ bị xâm phạm các quyền riêng tư của người khác, đi đến đả kích cá nhân nào đó trong khi thực hiện các bài viết. Quan trọng hơn nữa, bởi AI là sự tổng hợp dữ liệu, thiếu khả năng sáng tạo nhạy bén của con người, nên những bài viết do trí tuệ nhân tạo đưa ra sẽ không thể có tính độc đáo, linh hoạt và mẫn cảm với tâm lý người đọc.

Nếu nhà báo sử dụng AI để tác nghiệp, sẽ có ưu thế trong tổng hợp dữ liệu, đưa ra những tình huống bài viết hay hơn, độ chính xác cao hơn, hạn chế sai sót và nhầm lẫn. Nếu đảm nhận những lĩnh vực thông tin mới, mảng thời sự mới, như công nghệ, chuyên ngành kinh tế, việc tận dụng các ưu thế của AI sẽ rất tốt cho tác nghiệp của phóng viên. Song, người làm báo cũng phải biết khéo léo kết hợp AI với năng lực cầm bút của mình, vừa phải biết “huấn luyện” các phần mềm thể hiện đúng các mục đích thông tin mà mình cần, vừa phải giữ được năng lực, cách thức cảm thụ thông tin của bản thân.

Cốt lõi nhất, là vấn đề đạo đức người làm báo, trong tình huống kết hợp công nghệ vào viết, lại càng phải được chú trọng hơn. Những vấn đề “đạo văn”, cẩu thả tùy tiện trong viết lách, sai lệch về xử lý nội dung, câu chữ… đều rất dễ phát sinh, khi phóng viên ỷ lại vào các trường thông tin trực tuyến và các công cụ tự động liên quan đến các phần mềm trí tuệ nhân tạo.

Phóng viên cần hợp tác AI, nhưng AI thế nào mới đúng là nên hợp tác. Nếu không, sẽ có một ngày, không ai biết, ai là phóng viên!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc