Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn

16:46, 29/11/2023

Đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn tại địa phương đã và đang được huyện M’Drắk thực hiện có hiệu quả.

Thiết thực, hiệu quả

M'Drắk là huyện thuần nông, khó khăn của tỉnh, có đến 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do đó, công tác đào tạo nghề được coi là yếu tố then chốt để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương đã chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hằng năm gắn với với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Hằng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của người lao động để lựa chọn, tổ chức các nghề đào tạo sát với nguyện vọng, nhu cầu lao động như: sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, may dân dụng, xây dựng dân dụng...

Các lớp đào tạo nghề thực hiện linh hoạt về thời gian, chủ yếu là vào các buổi chiều, tối trong tuần; địa điểm tổ chức tại các thôn, buôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên theo học.

Học viên lớp đào tạo nghề may dân dụng tổ chức tại thôn 7 (xã Cư Króa).
Học viên lớp đào tạo nghề may dân dụng tổ chức tại thôn 7 (xã Cư K'róa).
 
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nội dung chương trình đào tạo liên tục được đổi mới; trong đó ngoài việc chú trọng hình thành chuyên môn kỹ thuật thành thạo cho học viên, Trung tâm còn chú trọng bổ sung kiến thức về: giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kỹ năng tìm việc làm, đặc biệt là ý thức nghề nghiệp, kỷ luật lao động theo tác phong lao động công nghiệp... Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành tại các gia trại, mô hình tiêu biểu ở nông thôn giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức.

Nhờ được đào tạo nghề cơ bản nên nguồn lao động có tay nghề của huyện M'Drắk đã được nâng lên rõ. Một số học viên sau khi được đào tạo nghề phù hợp đã tham gia xuất khẩu lao động, còn lại phần lớn khởi nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình với nghề may, nghề xây dựng… qua đó đã thay đổi kinh tế gia đình, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. 

Ông Võ Thanh Hương, cán bộ phụ trách công tác đào tạo nghề Trung tâm GDNN - GDTX huyện M’Drắk cho biết, phần lớn người lao động trong huyện phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên công tác đào tạo nghề nhóm nông nghiệp đã giúp người dân tự tin hơn trong việc làm kinh tế hộ gia đình. Số học viên đã qua đào tạo nghề, nhất là nghề chăn nuôi đã thay đổi phương thức chăn nuôi. Đơn cử như chăn nuôi bò, những học viên sau học nghề không còn chăn nuôi bầy đàn, với số lượng nhiều nhưng không đạt chất lượng, thay vào đó nuôi theo hướng lấy thịt và nâng cao chất lượng con giống giúp tăng năng suất, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa.

Tăng cơ hội việc làm

Huyện M’Drắk xác định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với cơ hội việc làm của lao động sau khi được đào tạo, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Vì vậy, thời gian qua chính quyền địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk… mở bình quân 10 phiên giao dịch việc làm/năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối, đặc biệt qua trang Facebook “Trung tâm GDNN – GDTX huyện M’Drắk – Giới thiệu việc làm miễn phí” để giới thiệu, kết nối việc làm cho lao động trên địa bàn.

Các học viên lớp nghề chăn nuôi heo mở tại xã Ea Trang đang thực hành cách phối trộn thức ăn trong chăn nuôi. Ảnh: Đ. Lan
Học viên lớp nghề chăn nuôi heo tổ chức tại buôn M'O (xã Ea Trang) đang thực hành cách phối trộn thức ăn.

Tuy nhiên, số lao động tham gia tuyển dụng vào các đơn vị có nhu cầu nguồn nhân lực này còn khiêm tốn. Một số nghề phi nông nghiệp dù được huyện chú trọng định hướng, khuyến khích đào tạo nghề, song lao động sau đào tạo làm việc ở lĩnh vực này còn ít. Nguyên nhân một phần do trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp đứng chân; học viên sau khi học nghề chủ yếu là tự tạo việc làm, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại hộ gia đình, chưa mạnh dạn thay đổi hướng phát triển, chưa dám bứt phá để vào làm việc ở doanh nghiệp, ở các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Phôi, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện cho hay, kinh tế phát triển, để thích ứng với bối cảnh mới thì yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, huyện xác định chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động gắn với tái cơ cấu ngành, nghề nông thôn. Thời gian tới, để hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả tích cực, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích học nghề để có kiến thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, kỹ năng tìm được việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp để tăng thu nhập. Cùng với đó thực hiện tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, việc làm để mở các lớp đào tạo phù hợp; mở rộng liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tuyển dụng, giải quyết việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo nghề…

Từ năm 2016 đến nay, huyện M’Drắk tổ chức 64 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với gần 2.200 học viên theo học. Đến nay, các lớp đào tạo nghề cơ bản phát huy hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt khoảng 80%.

 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc