Multimedia Đọc Báo in

Từ nghĩa chữ, nghĩ về vai trò người phụ nữ

09:56, 09/03/2024

Cứ vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3, “cánh mày râu” lại có những đàm luận hàm tiếu về vai trò nữ giới từ quan niệm truyền thống đến hiện đại hôm nay. Trong đó, nhiều người vận dụng nghĩa chữ truyền thống như một lối biểu hiện quan niệm của cha ông, lý giải việc “phân cấp” vị trí phụ nữ trong xã hội.

Chữ được nói đến là chữ “nữ”, dùng chữ tượng hình sẽ vẽ dáng mạo một người đứng khoanh tay. Luận giải trước đây, là người phụ nữ trong gia đình luôn đứng khoanh tay nghe lời, chịu sự sai bảo. Là phụ nữ phải ở vị thế lệ thuộc và bị động như vậy.

Chữ "nữ" tượng hình. 

Chữ liên quan đến nghĩa này, được nhiều người đề cập, là chữ “an”. Hán tự dùng hình ảnh một mái nhà ở trên và người phụ nữ ở dưới, với hàm ý có người phụ nữ trong nhà thì mọi việc sẽ đều yên. Điều này xuất phát từ quan điểm Nho giáo, xác lập vai trò người phụ nữ là quản lý gia đình, tạo điều kiện để người đàn ông ra ngoài thi thố, hoạt động xã hội. Thậm chí đến nay, nhiều người cũng vẫn có suy nghĩ rằng người đàn ông muốn yên ổn sự nghiệp thì phải yên bề gia thất, có vợ quản lý trong nhà mới thực sự ổn định để lập nghiệp sinh cơ.

Tuy nhiên, theo quan niệm hiện đại, vai trò người phụ nữ đã dần khác biệt. Quan niệm “trọng nam khinh nữ” một thời bởi Nho giáo không còn được chấp nhận nữa. Nhiều người đã nhìn nhận chính chữ “nữ” truyền thống phải được phân tích hợp lý hơn.

Đó là hình ảnh người phụ nữ bao gồm một nét mác sắc sảo một bên, và một nét phẩy tương quan với nét ngang ở trên thành hình khuyên tròn, thể hiện sự toàn diện, toàn vẹn, chu tất. Chữ “nữ” vì thế được giải nghĩa không còn là người đứng khoanh tay đợi sai bảo, mà là người có quyết định sắc sảo trong mọi việc hoạt động, làm sao chu toàn được mọi sự. Hình ảnh hai nét vẽ khoanh tròn lại được lý giải là “vòng tay” thể hiện thái độ yêu thương, chăm nom nhường nhịn trong cuộc sống gia đình.

Với cách luận giải này, chữ “an” trong Hán tự cổ được chiếu xét theo một nghĩa khác biệt, là trong gia đình có người phụ nữ quán xuyến mọi điều, chủ động đề ra những quyết sách, hành động sao cho chu toàn mọi việc, và thể hiện đầy đủ tình cảm yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của mình. Một gia đình có được vị trí đặc biệt ấy của người phụ nữ, thì mọi việc sẽ yên ổn, thực sự là an gia.

Tương đồng với chữ “an” này, trong tiếng Việt truyền thống, còn có một chữ khác, là “thỏa”. Chữ này dùng hình ảnh một bàn tay nắm (bộ trảo) liên kết với hình ảnh phụ nữ (bộ nữ), với nghĩa sơ khởi là “đặt bàn tay vào người phụ nữ”, tức muốn hành động gì, cần có sự trao đổi đàm phán với người phụ nữ bên cạnh. Ý nghĩa giải thích cũ, phải thể hiện quyền uy kiểm soát thì mới bàn luận được với phụ nữ. Song điều này thật sự khiên cưỡng, mà cần lý giải theo một cách nhìn khác. Đó là “bắt tay” với người phụ nữ, thì bàn bạc mọi việc sẽ thuận lợi, gọi là thỏa.

Quan niệm này cho thấy sự đánh giá, tán thưởng vai trò người phụ nữ, là rất quan trọng trong mọi việc. Quan niệm của người xưa, là muốn thành công bên ngoài, cần phải an định trong nhà trước. Nho giáo xác định “tề gia” được mới tính chuyện “trị quốc”, mà trong gia đình, vị trí cốt lõi thuộc về người phụ nữ. Như vậy, người đàn ông muốn thành công, phải tôn trọng và hợp tác với người phụ nữ, biết thỏa hiệp với người phụ nữ để mọi việc trong ngoài suôn sẻ. Hơn nữa, thực chứng xã hội cho thấy, vai trò đàm phán của nữ giới trong nhiều bối cảnh rất quan trọng. Không phải tự nhiên để người phụ nữ xuất hiện đàm phán trong các hợp đồng, thảo luận, tranh biện… lại dễ dàng đạt được thỏa thuận tốt. Mà điều này đồng nghĩa với việc đánh giá vai trò người phụ nữ không còn gói gọn trong gia đình nữa, mà lan tỏa, mở rộng ra những quan hệ ngoại giao, đối tác xã hội bên ngoài.

Rõ ràng trong tư duy người xưa, phụ nữ không phải là đối tượng bạc nhược bị cai trị và phải chịu sự điều khiển. Những biểu hiện tích cực trong góc nhìn nhận người phụ nữ đóng vai trò quán xuyến, quyết định những vấn đề thuộc về gia đình, về các giá trị tình cảm, quan tâm, chia sẻ… chứng tỏ hình ảnh phụ nữ ở xã hội trước đây vẫn được coi trọng, là một nửa của vấn đề quản lý xã hội. Do đó, khi chiếu xét với chữ “an” và chữ “thỏa” có thể thấy vị trí người phụ nữ được xác định rất rõ: giữ yên hạnh phúc gia đình, và dàn xếp được mọi quan hệ bên ngoài khi cần thiết. Với xã hội phương Đông truyền thống, quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thực sự được xác lập như vậy.

Từ tư duy chữ nghĩa của cha ông, mở rộng những nghĩa mới hôm nay, có thể nói, vị thế người phụ nữ chưa bao giờ bị coi nhẹ, và khi đề cập đến hình ảnh phụ nữ qua những từ dùng như phụ nữ, nữ giới, nữ quyền, nữ tính, nhất thiết nên hiểu, đó là người có quyết sách trong cuộc sống gia đình, sao cho chu toàn được mọi việc, đảm bảo hạnh phúc và yêu thương.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc