Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em từ trong gia đình

09:35, 07/04/2024

Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất đối với trẻ em trong quá trình tiếp nhận, nhập tâm hệ thống tri thức, kinh nghiệm, giá trị, chuẩn mực xã hội. Vì vậy xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em từ trong gia đình vô cùng quan trọng. Sự an toàn ở đây là an toàn cả về sinh mạng và tâm lý.

Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc làm thế nào để bảo vệ con mình khỏi bị tai nạn, thương tích; tránh được việc bị người lạ bắt cóc và bạo hành… Nhưng nhiều người có thể bỏ qua một trong những mối đe dọa lớn đối với sự an toàn của con cái chính là ngôi nhà mà trẻ đang sống.

Các nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích trong nhà đối với trẻ thường do nhà cửa được sắp xếp thiếu ngăn nắp, thiếu hợp lý, đồ đạc bừa bãi dễ dẫn đến trẻ bị tai nạn thương tích khi tiếp xúc với điện, các vật nóng, bếp ăn, vật dễ cháy, vật sắc nhọn, hóa chất, các vật gây ngạt đường thở… Bên cạnh đó, các bậc thềm cao, cầu thang không có tay vịn, gác xép không có thành chắn, cây cao trong nhà, ao hồ, bể, giếng nước, hố vôi không được che chắn miệng hay súc vật nuôi trong nhà… đều có nguy cơ gây thương tích cho trẻ.

Cần xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ từ trong gia đình. Ảnh minh họa: Vạn Tiếp

Các trường hợp trẻ vô tình bị thương luôn khiến chúng ta suy nghĩ về điều quan trọng là tăng cường sự giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ. Bên cạnh đó, có những trường hợp trẻ bị thương do sự thiếu hiểu biết hoặc hành xử dẫu là xuất phát từ tình thương nhưng không phù hợp của người lớn. Vậy thì, điều quan trọng là, tai nạn thương tích trẻ em có thể can thiệp và phòng tránh được từ trong gia đình.

Sự an toàn về tâm lý là một trong những nhu cầu cơ bản, điều kiện tiên quyết để con người đạt được trạng thái tốt nhất trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Một nơi ở đáp ứng an toàn về mặt tâm lý là nơi trẻ cảm thấy có thể lên tiếng, bày tỏ mối quan tâm của mình và được lắng nghe mà không sợ hãi hay cố gắng che đậy lỗi lầm để tránh bị xấu hổ hoặc trừng phạt. Nếu trẻ thiếu đi cảm giác an toàn, trẻ sẽ giữ im lặng và không dám bày tỏ ý kiến của mình trước bất kỳ sự việc gì. Và nếu như vậy, khi trẻ rơi vào những tình huống khó khăn, thường không dám đưa ra đề xuất nhằm cải thiện tình hình, dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa trẻ và các thành viên trong gia đình.

Tùy thuộc đặc điểm riêng biệt của từng trẻ mà mức độ ưu tiên của trẻ có thể khác nhau nhưng gia đình có thể hướng tới đảm bảo 5 điều kiện để trẻ được an toàn về tâm lý như sau:

- Điều kiện về nhu cầu thể chất để trẻ được sống trong môi trường lành mạnh: Cung cấp dinh dưỡng lành mạnh, hài hòa với các nhịp sống khác nhau (ngủ, vui chơi, học tập…).

- Điều kiện về cảm xúc: Trẻ em là nhóm rất dễ bị tổn thương và sự sinh tồn của trẻ phụ thuộc nhiều vào sự tử tế và quan tâm của người lớn. Sự an toàn về cảm xúc giúp trẻ cảm thấy an tâm, có đủ sự tự tin để trưởng thành và phát triển.

- Sự hòa nhập: Cảm giác hòa nhập là nền tảng của tất cả các nhóm xã hội như gia đình, lớp học, nhà trường, tổ chức, xã hội. Để học tập và phát triển đúng cách, mỗi đứa trẻ cần cảm thấy hòa nhập trong bối cảnh xã hội mang lại cho trẻ sự hỗ trợ cần thiết.

- Cơ hội học hỏi và phát triển: Trẻ cần được học hỏi qua nhiều năm với sự giúp đỡ của cha mẹ, thầy cô, bạn bè.

- Có hệ giá trị đúng đắn: Việc đưa khía cạnh đạo đức vào trong cuộc sống thường nhật của gia đình được xem là một phần của quá trình giáo dục, hình thành nhân cách trẻ.

Dựa trên những nghiên cứu khảo sát về giá trị gia đình, các nhà nghiên cứu hiện nay đang khuyến nghị 4 giá trị gia đình Việt Nam là: An toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng. Giá trị an toàn rất quan trọng khi mà trong bối cảnh hiện nay, nhiều người đang sống dựa vào gia đình và tự hỗ trợ bản thân. Đồng thời, hiện tượng bạo hành gia đình ở Việt Nam cũng không phải là hiếm gặp. Ở khía cạnh an sinh xã hội, các chỉ báo đo lường cho các biểu hiện của giá trị thịnh vượng như kiểu nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu… là những yếu tố đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro mang lại an toàn cho gia đình.

Quá trình tạo dựng cảm giác an toàn cũng như hình thành các điều kiện đảm bảo cho an toàn sinh mạng, sức khỏe không xảy ra trong thời gian ngắn. Bảo vệ trẻ em và rèn kỹ năng sống để trẻ có thể tự bảo vệ là một quá trình liên tục và tùy lứa tuổi, phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, từng địa phương. Nhưng nếu cha mẹ luôn để tâm đến sự cần thiết mang lại không gian an toàn cho trẻ, chắc chắn rằng, sẽ có những quyết định, hành động đúng đắn hướng tới đảm bảo an toàn và ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn tới nguy cơ mất an toàn.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc