Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam và những tín hiệu vui

17:56, 05/11/2010
Theo những báo cáo của các tổ chức quốc tế vừa được công bố, Việt Nam tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng ba bậc chỉ số phát triển con người.

Báo cáo "Môi trường kinh doanh 2011: Tạo khác biệt cho các doanh nghiệp" - ấn phẩm chung giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã được công bố ngày 4-11 thông qua cầu truyền hình kết nối Hà Nội (Việt Nam) với 3 điểm cầu Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Manila (Philippines). Việt Nam xếp thứ 4 trong số 10 nền kinh tế có mức độ cải cách nhiều nhất, với những cải cách nổi bật trên 3 lĩnh vực là thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng. Năm 2011, Việt Nam xếp hạng 78 về mức độ thuận lợi kinh doanh, tăng 10 bậc so với năm 2010. Báo cáo phân tích rõ Việt Nam đã tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển việc chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thuận lợi hơn. Hệ thống thông tin tín dụng được cải thiện, người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng về họ và được quyền sửa các thông tin sai lệch.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Báo cáo trên là ấn phẩm hàng năm lần thứ 8, so sánh môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh tại 183 nền kinh tế khác nhau, tập trung vào các quy định liên quan đến vòng đời của một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước; sử dụng tình huống điển hình được chuẩn hóa; thuộc khu vực chính thức và được tính toán cho thành phố đông dân nhất của từng nền kinh tế. Báo cáo không đo lường tất cả mọi khía cạnh của môi trường kinh doanh, mà chỉ căn cứ vào những chỉ số đánh giá về mức độ thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, vay tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, thực hiện hợp đồng, cấp phép xây dựng, nộp thuế, đăng ký sử dụng điện, giao thương qua biên giới, giải thể doanh nghiệp... để xếp hạng về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. Theo báo cáo này, những nền kinh tế Đông Á -Thái Bình Dương là năng động nhất trong mở cửa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và đang đứng ở thứ hạng trung bình trong bảng xếp hạng toàn cầu về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chỉ đứng sau các nước OECD và các nước Đông Âu - Trung Á. Trong số 30 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất thế giới, có nhiều nền kinh tế ở châu Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Trong khi đó, danh sách chỉ số phát triển con người vừa công bố trong báo cáo thường niên Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, Việt Nam xếp thứ 113, tăng ba bậc so với năm ngoái.
Đời sống người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: G.N
Đời sống người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: G.N
Việt Nam được xếp vào nhóm có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình. Danh sách 169 quốc gia và vùng lãnh thổ này được chia làm 4 nhóm: các nước có HDI rất cao, cao, trung bình và thấp. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp trên Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar. Hai quốc gia của khu vực được xếp vào nhóm có chỉ số phát triển con người rất cao là Singapore ở vị trí 27 và Brunei ở vị trí 37. Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 116/182.
Cũng theo báo cáo, Na Uy, nơi người dân có tuổi thọ trung bình là 81 và thu nhập bình quân đầu người hàng năm gần 59.000 USD tiếp tục đứng đầu danh sách là nơi đáng sống nhất thế giới. Australia, New Zealand, Mỹ và Ireland tiếp sau, thuộc top 5. Những nước có chỉ số HDI thấp nhất chủ yếu là ở châu Phi, trong đó đứng tận cùng danh sách là Zimbabwe. Tuổi thọ trung bình của người nước này là 47 và thu nhập bình quân đầu người là 176 USD.
AFP dẫn lời người phụ trách nhóm báo cáo Jeni Klugman cho biết nghiên cứu này đưa ra đánh giá tổng thể về chất lượng cuộc sống vì không chỉ tính đến thu nhập bình quân mà cả các yếu tố khác như y tế, giáo dục, bình đẳng giới và tự do chính trị. Những quốc gia có sự tiến triển nhanh chóng, tăng 8 bậc trong vòng 5 năm qua, gồm Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc. Trung Quốc hiện xếp ở vị trí 89 và sự vươn lên của nước này được cho là dựa trên thu nhập hơn là y tế hay giáo dục. Đây là năm thứ 20 Liên hiệp quốc đưa ra báo cáo thường niên này.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc