Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Cần tăng tính đối thoại giữa đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn

08:28, 17/06/2013

Kết thúc hơn 2 ngày Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ, nhìn chung các câu hỏi của đại biểu và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đều cho rằng, các phiên chất vấn cần tăng đối thoại giữa đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn.

Đa số ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội đánh giá phiên chất vấn tại kỳ họp này cơ bản đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm. Đại biểu đã gửi tới các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ những câu hỏi rõ ràng và các Bộ trưởng cũng trả lời trọng tâm đi thẳng vào những vấn đề đại biểu cùng cử tri quan tâm.

Trong quá trình trả lời của 4 vị trưởng ngành, đã có sự tham gia bổ sung, giải trình thêm của 7 vị Bộ trưởng và 2 Phó Thủ tướng tham gia, làm rõ thêm nhiều nội dung và hướng giải quyết đối với các vấn đề mà đại biểu đã nêu ra. Phiên chất vấn đã phát huy vai trò chủ động của Chủ tịch Quốc hội điều hành kịp thời định hướng lại những câu hỏi dài và không rõ ý. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhiều lần "tuýt còi" những phần trả lời chất vấn còn vòng vo không đi vào trọng tâm nội dung mà đại biểu quan tâm.

Nhiều ý kiến cho rằng, những câu hỏi mà đại biểu đặt ra đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành lần này đã cơ bản nêu “đúng và trúng” vấn đề nóng, đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Một số đại biểu đặt câu hỏi vẫn còn chưa sát với chức năng quản lý của từng Bộ, ngành, câu hỏi còn dài dòng nặng tính giải thích, nêu quan điểm. Có câu hỏi về những vấn đề nhỏ không bao quát, chưa liên quan đến lợi ích của đông đảo cử tri. Qua chất vấn, cử tri và đại biểu mong đợi nhận được những câu trả lời cụ thể từ phía các thành viên Chính phủ về việc có hay không vấn đề được nêu ra. Nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp thế nào, khi nào thì giải quyết. Một số nội dung kỳ vọng này chưa được đáp ứng, tức là không đưa ra được cam kết, giải pháp cụ thể. Để nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng, nên chọn nội dung chất vấn cùng với nội dung giám sát tối cao của Quốc hội thì chất vấn sẽ sâu sát hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đại biểu Quốc hội và cử tri cũng chia sẻ với Chính phủ và các Bộ trưởng khi điều hành công việc cũng như những vấn đề cụ thể của từng ngành. Tuy nhiên không phải vì như thế mà không khí hội trường bớt sôi động, càng chia sẻ càng cần có những câu chất vấn xác đáng, nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng. Để làm được điều này thì cần tăng thời gian chất vấn hoặc giảm số Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn ở mỗi kỳ họp.

Sau khi Quốc hội kết thúc các phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu đánh giá kết quả, chất lượng các phiên chất vấn.

Theo các nội dung đã được chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu lại các nhiệm vụ, việc làm mà các Bộ trưởng cần tập trung giải quyết thời gian tới.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phải tiến hành các giải pháp cần thiết để phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý, Bộ trưởng và các đơn vị giúp việc của ngành phải tập trung vào công tác qui hoạch vùng, ngành, các sản phẩm nông nghiệp và tiến hành tái cơ cấu mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, liên kết với các ngành đưa KHCN vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, năng suất và có hiệu quả; hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho nông nghiệp; quản lý chặt chẽ, kiên quyết chống tiêu cực trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và thị trường; mở rộng hội nhập quốc tế; có cơ chế cần thiết hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mục đích cuối cùng là xây dựng ngành nông nghiệp nước ta phát triển bền vững đem lại đời sống tốt hơn cho người nông dân.

Về trồng rừng và bảo vệ rừng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải đặc biệt quan tâm đến rừng phòng hộ, đi liền với đó là giải quyết các vấn đề về thủy điện, rà soát các quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổ chức lại các nông, lâm trường.

Đối với lĩnh vực văn hóa-thể thao, du lịch, Quốc hội yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khắc phục những biểu hiện suy thoái đạo đức xã hội trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong sáng tác, biểu diễn các tác phẩm văn học nghệ thuật; đồng thời xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư từ đó bài trừ các tệ nạn xã hội. Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần có quyết tâm cao và có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong du lịch, làm mất hình ảnh Việt Nam; phấn đấu đưa ngành du lịch xứng đáng với tiềm năng.

Quốc hội yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đồng thời quản lý lao động ở nước ngoài chặt chẽ hơn. Đối với người có công cần rà soát lại chủ trương, chính sách, chú ý đến lực lượng thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc da cam và tích cực triển khai chương trình giảm nghèo.

Đối với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Quốc hội yêu cầu Viện trưởng và ngành kiểm sát đặc biệt chú ý đến chức năng, nhiệm vụ, vai trò công tố và kiểm sát tư pháp; tăng cường kiểm sát tư pháp với hoạt động tư pháp ; xây dựng đội ngũ làm công tác tư pháp có năng lực, phẩm chất vững vàng trước mọi cám dỗ. Đến cuối năm nay, Viện Kiểm sát phải có báo cáo trước Quốc hội toàn bộ công tác tư pháp để xây dựng ngành tư pháp công bằng, dân chủ, thực hiện bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

                                                                                     Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc