Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ: Chưa thực sự hiệu quả

18:03, 27/12/2016

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã quan tâm, triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm nâng cao vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. 

Giám sát, phản biện chưa nhiều

Thực hiện chức năng của mình, trong năm 2015, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát “Việc thực hiện cấp thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo” trên địa bàn huyện Ea Kar, M’Đrắk và Krông Búk. Tại xã Tân Lập (huyện Krông Búk), Đoàn đã đến kiểm tra thực tế việc cấp thẻ BHYT cho gia đình anh Lưu Văn Bình ở thôn 2. Là đối tượng hộ nghèo, 5 thành viên của gia đình anh đều thuộc diện được cấp thẻ BHYT nhưng mãi đến tháng 4 và tháng 5-2015 mới lần lượt nhận được thẻ, chậm mất 6-7 tháng so với quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh, nhất là đối với cháu Lưu Văn Hiếu (SN 2003) bị bệnh tim bẩm sinh. Còn tại xã Cư Prông (huyện Ea Kar), đến ngày 9-10-2015  còn 49 đối tượng thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí vẫn chưa nhận được thẻ. Bà Châu Thị Minh Thuận, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQVN tỉnh), Trưởng đoàn Giám sát cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng trên là do thẻ in sai thông tin, phải cấp đổi; Một bộ phận người dân chưa thực sự hợp tác với chính quyền địa phương trong việc cung cấp thông tin, nhận thẻ, bảo quản và sử dụng đúng quy định. Vẫn còn tình trạng nhận hộ thẻ, một người ký nhận nhiều thẻ, không kiểm tra thông tin trước khi giao, nhận thẻ hoặc trưởng thôn, buôn, tổ dân phố nhận thẻ nhưng không cấp phát đúng thời hạn cho đối tượng. Việc lưu trữ hồ sơ xét, cấp thẻ BHYT tại nhiều địa phương chưa thực sự khoa học… Qua kiểm tra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã ban hành văn bản kiến nghị gửi các cấp, ngành, địa phương nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo”.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN tỉnh giám sát
Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN tỉnh giám sát "Việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo" tại thôn 2 (xã Tân Lập, huyện Krông Búk).

Hoạt động giám sát “Việc thực hiện cấp thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo” đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng tiếc rằng đây là cuộc giám sát độc lập duy nhất của Ủy ban MTTQVN tỉnh trong năm 2015, còn lại chủ yếu là phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và các Ban của HĐND để giám sát theo chương trình. Đối với cấp huyện, trong năm qua, mới chỉ có Buôn Đôn, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ thành lập đoàn giám sát của Mặt trận để thực hiện giám sát một số nội dung được cấp ủy phê duyệt, các địa phương còn lại chưa triển khai được hoạt động này. Riêng đối với nhiệm vụ phản biện xã hội, trong năm 2015, MTTQ các cấp chưa tổ chức được hội nghị nào mà chủ yếu tham gia góp ý xây dựng các đề án, dự án có liên quan.

Cần sự phối hợp trong triển khai thực hiện

Ông Lê Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: “Mặc dù thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận chưa thực sự hiệu quả, số lượng các cuộc giám sát độc lập và phản biện được tổ chức còn ít”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác này. Trước hết là do hệ thống cơ chế giám sát và phản biện xã hội còn thiếu. Các quy định về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ chưa cụ thể; điều kiện bảo đảm hoạt động, chế độ giám sát chưa rõ ràng, khó thực hiện trong thực tế. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và cơ quan nhà nước các cấp về vai trò, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa đầy đủ, đúng đắn. Bên cạnh đó, do khó khăn về kinh phí, lực lượng mỏng, trình độ của cán bộ mặt trận các cấp còn hạn chế, trong khi đó hoạt động giám sát, phản biện đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, am hiểu sâu nhiều lĩnh vực cũng như các văn bản, quy định liên quan. Hơn nữa hình thức thành lập đoàn giám sát độc lập theo chuyên đề là một hoạt động mới nên việc triển khai thực hiện còn bị động, lúng túng. Mặt khác, sự phối hợp giữa các tổ chức Đảng, chính quyền với Mặt trận chưa chặt chẽ, thống nhất. Cũng theo ông Tâm, để MTTQ các cấp thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội thì cấp ủy các cấp cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận; có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường công tác phối hợp trong triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận cũng như quan tâm chỉ đạo khắc phục và có “chế tài” xử lý những khuyết điểm, thiếu sót qua giám sát đã chỉ ra.

Từ ngày 1-1-2016, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, trong đó có 2 Chương V và VI quy định cụ thể hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ. Đây là tiền đề quan trọng và là “kim chỉ nam” để hệ thống Mặt trận triển khai hiệu quả hoạt động này. Cơ chế đã có, vấn đề còn lại chính là sự vào cuộc của MTTQ các cấp và sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc