Multimedia Đọc Báo in

Tết Độc lập với khát vọng tự do và hạnh phúc

08:43, 01/09/2017

"Tự do và hạnh phúc” luôn là những giá trị xã hội bền vững. Hơn bảy mươi năm trước, chính quyền cách mạng với người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây dựng được lòng tin của người dân vào khát vọng giành độc lập để thực hiện quyền được tự do, được hạnh phúc.

Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam được mở đầu bằng những tư tưởng về quyền con người từ hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Pháp. Đó là: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc (Hoa Kỳ); người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi (Pháp). Ngay sau đó, bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã xác nhận quyền của con người chính là nền tảng của quyền một dân tộc: Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám là người dân đã có niềm tin rằng, những quyền con người cơ bản sẽ được thực hiện ngay sau khi giành độc lập. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, T4, tr.56). Khi đó, người dân có niềm tin, một lòng theo Đảng, theo cách mạng vì họ nhìn thấy cái mà họ sẽ được, đó là: độc lập, tự do, cơm no, áo ấm... Và bằng chứng là sau Cách mạng Tháng Tám, các chính sách liên quan quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền đã được thực thi, như: bãi bỏ thuế thân; bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền; quy định thể lệ Tổng tuyển cử; giảm tô; giảm thuế điền…

Ngày nay, lòng tin ấy về tự do và hạnh phúc phải được tiếp tục nuôi dưỡng, vì mọi quyền lực chỉ thật sự tồn tại trên cơ sở lòng tin của người dân về các vấn đề dân quyền. Tuy nhiên, dù lạc quan tới đâu thì vẫn phải thừa nhận rằng những hiện tượng tiêu cực như: một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng; hiện tượng nhiêu khê trong xử lý công việc hành chính; những bất cập, yếu kém trong giáo dục, y tế hay sự thiếu hụt của các trợ cấp và an sinh xã hội… dường như khiến người dân đang dần giảm niềm tin về quyền mưu cầu hạnh phúc. Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng niềm tin? Trong xã hội hiện đại, có lẽ không thể chỉ hy vọng kêu gọi người dân hãy tin tưởng vào sự yên tâm về lòng tốt của người khác. Trong bối cảnh hiện nay, niềm tin luật pháp cần được xem là yếu tố quan trọng trong gây dựng lòng tin của người dân trong việc thực hiện các chính sách có liên quan. Dù có yên tâm về nhau tới mức nào thì người ta vẫn cần niềm tin luật pháp rằng: Các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sự không làm tròn bổn phận, sự vi phạm các giao kết… sẽ được điều chỉnh bởi luật pháp.

Giá trị đích thực của một quốc gia độc lập sẽ được thể hiện ở những nỗ lực tạo dựng một Nhà nước có hệ thống luật pháp rõ ràng, ổn định và bộ máy thực thi luật pháp một cách công minh với những điều kiện xã hội để người dân thực hiện các quyền tự do, bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc