Multimedia Đọc Báo in

Nội dung và kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (Kỳ 2)

10:24, 24/07/2018

[links(left)]

Kỳ II: Giám sát tối cao và xem xét, quyết định các vấn đề khác

1. Sau khi xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhờ đó đã đạt được những kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Quốc hội thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ và đề nghị tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2018; giải quyết có hiệu quả các yếu kém đã được nhận diện; đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng tiến độ các công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công; tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững, ổn định trật tự an toàn xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, tích cực xử lý các vấn đề môi trường, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở sông, suối, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm. Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn sát thực tế, được dư luận xã hội, cử tri cả nước quan tâm. Việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát, Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.

3. Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị quyết đã nêu rõ kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh  nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; giao các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Internet
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Internet

4. Quốc hội đã nghe và cơ bản tán thành Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị của cử tri. Công tác này đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong các báo cáo.

5. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 2 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Theo đó, bên cạnh các nội dung giám sát theo quy định, thông lệ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” tại kỳ họp thứ 7 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” tại kỳ họp thứ 8. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. 

6. Bên cạnh các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu các báo cáo gửi để có thêm thông tin và kết hợp thảo luận với các nội dung có liên quan hoặc gửi ý kiến, kiến nghị bằng văn bản để cơ quan trình nghiên cứu, tiếp thu. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội về các trường hợp cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV.

7. Sau khi xem xét các Báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, quyết định: tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP); nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm vay trong nước 197.165 tỷ đồng và vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

8. Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV nhằm khái quát kết quả chủ yếu của kỳ họp. Đồng thời, quyết định một số vấn đề: giao Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ về kinh tế-xã hội; ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021; cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt. Chưa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017-2020. Phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1-1-1995.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.