Multimedia Đọc Báo in

Phát huy tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ

05:56, 10/03/2021

Phụ nữ là lực lượng xã hội lớn, đóng vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của phụ nữ, Người rất chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người dẫn lại lời của Các Mác: “Ông Các Mác nói rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi”.

Những năm 20 của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận đúng đắn vai trò to lớn của lực lượng phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng: “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia... Vậy nên muốn thế giới cách mệnh thành công, thì phải vận động đàn bà con gái công nông các nước”.

Người cho rằng: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Xác định đúng vị trí, vai trò của phụ nữ là một trong những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, Người cho rằng “ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau”. Bởi vậy, giải phóng phụ nữ cũng là mục tiêu của cách mạng, là chiến lược quốc gia của Chính phủ Việt Nam. Cho nên, Người đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong sự thống nhất với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xã hội và con người thông qua cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách đặc thù đối với phụ nữ dân tộc thiểu số  tại huyện Krông Bông.    Ảnh: Nguyễn Xuân
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách đặc thù đối với phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Krông Bông. Ảnh: Nguyễn Xuân

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Trong đó, việc huấn luyện, rèn luyện cán bộ nữ sẽ giúp chị em nâng cao được trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “một là, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo; hai là, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên, có như vậy mới đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ. Theo đó, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo”; “Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”.

Để làm được điều đó, cần phát hiện và chủ động tạo nguồn cán bộ được rèn luyện trong phong trào quần chúng, được quần chúng tín nhiệm để đề bạt, cất nhắc. Cần chú ý đến những đặc điểm về giới, bố trí cho chị em vào những ngành nghề thích hợp, để chị em có thể phát huy tối đa khả năng và sở trường của mình. Phải có chính sách ưu tiên và đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ nữ hoạt động lâu năm, những cán bộ công tác ở các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, người phụ nữ phải biết tự mình vươn lên, tự khẳng định vị trí, vai trò của mình.

Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ cũng như đề cao vai trò của phụ nữ đã được Đảng ta quán triệt và thực hiện thông qua nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới hiện nay, một trong những vấn đề cấp bách của công tác cán bộ là phải tăng cường đội ngũ cán bộ nữ, đưa phụ nữ tham gia vào công việc quản lý kinh tế, quản lý nhà nước.

Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định quan điểm: Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”. Có thể nói, những quan điểm đó đã và đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai, quán triệt và lấy làm kim chỉ nam trong việc thực hiện công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định cụ thể: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, nhấn mạnh phương châm: Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, nghị quyết cũng đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu, đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của cán bộ nữ trong cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Thực tế, nhìn lại chặng đường đã qua, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bên cạnh đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi để chị em có cơ hội phát triển toàn diện và tham gia trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đã dần làm thay đổi những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, khiến xã hội phải thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không thua kém nam giới và nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về vai trò, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.