Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao

08:40, 21/05/2012

Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng máy gặt đập liên hợp trong quá trình thu hoạch lúa đã trở nên quen thuộc đối với bà con các xã Ea Bung, Ea Lê, Ya T’mốt (Ea Súp)… Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất đã giúp cho bà con nông dân thu hoạch vụ mùa nhanh chóng, nâng cao năng suất lúa và cải thiện điều kiện lao động.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại thôn 9, xã Ea Lê (Ea Súp).
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại thôn 9, xã Ea Lê (Ea Súp).

Vụ mùa năm nay, với 1 ha lúa, thay vì phải thuê công thu hoạch chi phí 300 nghìn đồng/sào cộng với công máy tuốt 160 nghìn đồng/sào thì gia đình anh Nguyễn Minh Sơn, thôn 9, xã Ea Lê chỉ cần trả 300 nghìn đồng/sào thuê máy gặt đập liên hợp và chỉ sau 10-15 phút anh đã có lúa mang về nhà. Anh cho biết: “Việc thuê máy gặt đập liên hợp đã giúp gia đình tôi giải quyết vấn đề thiếu nhân công cắt lúa trong vụ mùa, rút ngắn được thời gian thu hoạch và hạn chế được thất thoát hao hụt”. Cũng như anh Sơn, gia đình ông Lê Văn Vĩ, thôn 9, xã Ea Lê mấy năm trở lại đây đều thuê máy gặt đập liên hợp trong quá trình sản xuất. Ông cho hay: “Trước đây, vào mùa thu hoạch, gia đình tôi phải chạy khắp nơi để thuê nhân công gặt lúa, bốc cầu, thuê máy tuốt, thời gian thu hoạch thường kéo dài từ 2-3 ngày. Nhưng giờ đây tôi không còn phải lo tới vấn đề đó nữa. Với việc sử dụng máy gặt đập liên hợp, chỉ sau vài tiếng gia đình tôi có thể thu hoạch toàn bộ lúa mang về nhà”.

Xuất phát từ thuận lợi đó nên những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện Ea Súp đang tích cực sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch vì nó có ưu điểm hơn hẳn so với việc gặt tay bằng thủ công vừa chi phí cao mà thời gian lại kéo dài. Ngoài việc giải quyết thu hoạch lúa một cách nhanh gọn, hạn chế thất thoát lúa, giảm bớt nhân công lao động thì thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp còn giúp bà con nông dân giảm được nhiều chi phí trong khi năng suất lúa vẫn bảo đảm. Nhiều nông dân tính toán, bình quân 1 công lúa họ sẽ giảm được từ 200-300 nghìn đồng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, hiện tại trên toàn huyện có khoảng 30 máy gặt đập liên hợp, chi phí mua máy khoảng 500-550 triệu đồng/máy, với giá dịch vụ là 3 triệu đồng/ha, trung bình mỗi máy kiếm đước từ 9 - 10 triệu đồng/ngày, sau 1-2 mùa vụ chủ máy có thể thu lại vốn mình đã bỏ ra.

Tuy nhiên, việc sử dụng máy gặt đập liên hợp còn gặp  khó khăn trong sản xuất vụ hè thu và thu đông do diện tích lúa nhiều, lúa bị đổ trên diện rộng, ruộng đất không khô gây khó khăn cho quá trình gặt đập. Do vậy, để việc thực hiện ứng dụng cơ giới hóa vào quá trình thu hoạch được thực hiện đồng bộ thì người dân trước hết cần thay đổi tập quán sản xuất cũ, ứng dụng đúng và đủ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, có như thế việc đưa máy móc vào quá trình thu hoạch mới đạt hiệu quả cao.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.