Multimedia Đọc Báo in

Vì sao nông dân chưa mặn mà với việc trồng rau an toàn?

06:13, 17/12/2012

Trong khi một số nơi nông dân đã chấp nhận việc trồng rau an toàn theo  các dự án, mô hình và đã đạt được kết quả khả quan, thì ở tổ dân phố 7, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) nhiều hộ trồng rau chưa mặn mà với phương pháp sản xuất rau theo các dự án rau sạch.

Hiện tổ dân phố 7 có hơn 10 hộ trồng và sản xuất rau. Hộ có diện tích ít nhất là 500m2 và hộ nhiều nhất là hơn 1.500m2; năng suất mỗi hộ đạt từ 5-8 tấn/năm. Trên thực tế, trình độ nhận thức và phương pháp sản xuất rau của nông dân nơi này đã được nâng cao sau nhiều đợt tập huấn, hội thảo sử dụng phân bón vi sinh, chăm sóc cây trồng… Song, khi Hội Nông dân Phường Tự An tổ chức cho nông dân sản xuất theo mô hình rau an toàn do các dự án triển khai thì nông dân lại không thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Đức ở tổ dân phố 7, có 500m2 trồng rau khẳng định: Bản thân người trồng rau ở đây hiểu việc sản xuất rau là một nghề và nghề này đã và đang đem lại thu nhập khá cho họ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều lần Hội Nông dân phường cùng các cơ quan chức năng triển khai cho các hộ trồng và sản xuất rau theo quy trình VietGAP nhưng không được các hộ nông dân trên địa bàn chấp nhận. Lý do đầu tiên mà các hộ nông dân nơi đây nêu ra là việc ghi chép nhật ký quy trình trồng rau sạch mà dự án yêu cầu khá phiền hà, vì lâu nay họ chỉ làm theo thói quen áng chừng về mọi thứ. Nếu mỗi khi làm đất, xuống giống hay bón phân, phun thuốc, thu hoạch… phải tuân thủ đúng quy trình rồi ghi rõ vào 1 cuốn sổ nhật ký sản xuất thì rất phiền hà. Hơn thế, hạt giống trồng theo quy trình VietGAP phải mua của mô hình nhập từ nước ngoài nên rất đắt, dẫn đến thành phẩm rau có giá cao. Trong khi đó, hiện nay các hộ đều tự mua giống ngoài chợ và bán cũng ở ngoài chợ theo giá cả, số lượng thỏa thuận đã thành thói quen… Thế nên nếu người nông dân sản xuất rau theo các mô hình hay theo quy trình VietGAP sẽ bị lỗ. Ngoài ra vấn đề đầu ra cho sản phẩm rau an toàn cũng chưa ổn định, giá trị của sản phẩm rau chưa tương xứng với công sức đầu tư, sản xuất. Nếu đem ra chợ bán bình dân như mọi loại rau được sản xuất theo phương thức truyền thống thì không nhất thiết phải thực hiện theo các mô hình, dự án…  Bà Đức cũng cho hay, để giữ chữ tín với bạn hàng, mỗi ngày bà đều phải cung cấp đủ 300 xâu xà lách và 100 bó rau cải con. Nếu thiếu thì bà sẽ lấy ở các nhà vườn khác để bảo đảm số lượng cho bạn hàng; vì thế đầu ra cho sản phẩm của gia đình bà khá ổn định.

Được biết đầu năm 2012, Hội Nông dân phường Tự An đã 2 lần tổ chức vận động 10 hộ ở khối 7 tham gia trồng rau theo hướng sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên do không tìm đầu ra cho rau an toàn nên buộc phải bỏ dự án. Trong khi đó sản lượng của vùng rau khối 7 ước khoảng từ 1-2 tấn/ngày, và toàn bộ số rau này người nông dân đưa đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối hoặc qua các  lái buôn nhỏ lẻ.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc