Multimedia Đọc Báo in

Chợ nội thành Buôn Ma Thuột và những bất cập

09:36, 31/05/2013

Tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện đang tồn tại một nghịch lý: trong chợ đìu hiu người mua, trong khi đó vỉa hè, lòng đường ngoài chợ lại tấp nập kẻ mua, người bán...

Trong đìu hiu, ngoài nhộn nhịp

Các ki-ốt trong khu chợ C Buôn Ma Thuột đìu hiu vắng khách.
Các ki-ốt trong khu chợ C Buôn Ma Thuột đìu hiu vắng khách.

Nhiều tiểu thương đang kinh doanh tại khu C chợ Buôn Ma Thuột phản ánh, hiện nay tình trạng buôn bán trái phép ở vỉa hè, lòng đường ngoài chợ tranh hết khách của họ khiến việc buôn bán ế ẩm. Có mặt tại đây vào một phiên chợ sáng, chúng tôi ghi nhận hai hình ảnh trái ngược: các ki-ốt trong chợ hàng hóa (thực phẩm) phong phú, tươi ngon, sạch sẽ… thì chỉ có lác đác một số khách tới mua; trong khi đó, ngoài đường Điện Biên Phủ, hàng hóa (chủ yếu là mặt hàng thực phẩm) bày bán chiếm hết cả lòng đường, trông rất mất vệ sinh lại nhộn nhịp người mua. Tiểu thương Đỗ Thị Kim Chung, kinh doanh ở chợ gần 3 năm nay tỏ ra bức xúc: “chúng tôi thuê ki-ốt trong chợ với giá mặt bằng cao, tuy nhiên, khách mua đông chỉ được vào buổi sáng sớm (chủ yếu đưa hàng đi bỏ mối), còn từ 10 giờ sáng đến chiều thì chỉ lác đác vài người. Vắng khách, tiểu thương chúng tôi chẳng biết làm gì ngoài ngồi chơi, tán chuyện. Kiểu này chắc đến lúc phải bỏ chợ, trả mặt bằng kinh doanh”. Chị Mai Thị Cư có 2 quầy hàng bán rau củ quả khi được hỏi về tình hình kinh doanh tỏ ra buồn rầu vì hàng hóa ế ẩm. Do việc buôn bán khó khăn, tiền lời ít nên đã có khoảng 10 hộ xin trả mặt bằng, một số hộ khác dư hàng nên buổi chiều cũng mang ra đường… chống ế. Trước thực trạng “ngoài đông, trong vắng”, bà con tiểu thương đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền phường Tân Tiến và TP. Buôn Ma Thuột nhưng việc họp chợ ngoài đường vẫn không được giải quyết dứt điểm. Rõ ràng, đây là bất công đối với các tiểu thương, bởi hàng tháng họ phải đóng tổng cộng 1,5 triệu đồng tiền vệ sinh, điện, nước và thuế, trong khi người bán ngoài đường không phải đóng đồng nào. Nếu tình trạng trên kéo dài sẽ khiến nhiều tiểu thương phải bỏ chợ. Ông Võ Thành Lân - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột, chủ đầu tư chợ C Buôn Ma Thuột cho biết: việc buôn bán tự phát ngoài chợ cũng khiến đơn vị ảnh hưởng như bị cản trở xe cộ vào chợ, các tiểu thương chậm nộp tiền thuê ki-ốt…

Khó xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc

Trong khi trên  vỉa hè  lại  tấp nập người  mua bán.
Trong khi trên vỉa hè lại tấp nập người mua bán.

Tình trạng buôn bán tự phát tại vỉa hè, lòng đường ngoài chợ khiến việc kinh doanh chính đáng của tiểu thương trong chợ gặp khó khăn là thực trạng chung, đang diễn ra tại nhiều chợ khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Khu chợ B phường Ea Tam được xây dựng trên diện tích hơn 1.000 m2 với đầy đủ các khu, như: khu quần áo, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng nhưng chỉ lác đác người đặt mua, nhiều quầy hàng hiện đang bỏ trống. Trong khi đó, phía ngoài chợ, cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Tình trạng này dẫn đến ô nhiễm môi trường cho người dân sống gần khu vực chợ. Có mặt tại đây vào phiên chợ chiều, chúng tôi chứng kiến cảnh kinh doanh mất vệ sinh. Các loại thực phẩm tươi sống được chứa trong những dụng cụ hết sức sơ sài, mất vệ sinh và được bày bán ngay cạnh khu quần áo, giày dép… Nước thải chảy tràn lan trên các đường đi, rác thải ngập tràn xung quanh khu vực chợ, bốc mùi hôi thối. Nhiều người dân sống gần chợ tỏ ra bức xúc, bởi sau khi tan chợ, rác thải khu vực này như bãi chiến trường, vào mùa mưa nước bẩn chảy lênh láng, mùa nắng mùi hôi bốc lên nồng nặc đến ngạt thở.

Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có rất nhiều chợ tự phát ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm và ách tắc giao thông như: chợ tạm trên đường Giải Phóng (phường Tân Thành), chợ tạm đường Y Nuê (phường Ea Tam), chợ tạm tại ngã tư xã Cư Êbur… hình thành từ rất nhiều năm  nay, gây nhiều hệ lụy. Do các chợ này được hình thành do thói quen mua bán của người dân và đã tồn tại rất lâu nên việc xử lý, xóa bỏ là điều không dễ với các địa phương hiện nay. Điển hình là các chợ tự phát trên đường Nơ Trang Lơng và Điện Biên Phủ (phường Tân Tiến) với khoảng gần 200 hộ thường xuyên buôn bán trên vỉa hè, lòng đường. Ông Trần Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tiến cho biết, việc xử lý các chợ cóc này là vấn đề đau đầu với địa phương nhiều năm nay. Tuy đã thường xuyên truy quét, xóa bỏ nhưng chỉ được một thời gian ngắn mọi việc đâu lại vào đấy, hiện tại, do lực lượng mỏng nên phường chỉ có thể hạn chế việc buôn bán giữa lòng đường chứ không thể mạnh tay hơn để xử lý dứt điểm.

Theo Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột, thành phố hiện có 21 chợ chính thống đang hoạt động, trong đó, một số chợ hoạt động hiệu quả như chợ Tân An, chợ tạm Buôn Ma Thuột, chợ Duy Hòa, còn lại ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự tồn tại của các chợ tự phát. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có quy hoạch, xây dựng chợ bài bản, bố trí hợp lý để đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. Bên cạnh đó, người dân cần có ý thức mua, bán hàng hóa một cách văn minh, hạn chế “văn hóa vỉa hè” và hình thành “văn hóa chợ”, qua đó góp phần xây dựng TP. Buôn Ma Thuột xanh - sạch - đẹp.

Minh Lê


Ý kiến bạn đọc