Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân thoát nghèo bền vững ở thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana)

09:11, 27/08/2013

Trong việc xóa đói giảm nghèo, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì sự nỗ lực phấn đấu của từng gia đình trở thành yếu tố quan trọng giúp nhiều hộ thoát nghèo nhanh, bền vững. Tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã có nhiều gia đình thoát nghèo bền vững như vậy.

Bà Lan  bên  ao cá  do chính  gia đình đào.
Bà Lan bên ao cá do chính gia đình đào.

Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Xuân Chính (thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) thoát nghèo bền vững nhờ nuôi heo, trồng lúa và làm cà phê là một trong những câu chuyện được lấy ví dụ về gương điển hình vượt khó, vươn lên, phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu với diện tích 300m2, gia đình ông làm chuồng nuôi heo nái. Năm 2010, ông Chính được Nhà nước cho vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi với quy mô hơn 40 con heo và làm hầm biôga để vừa bảo vệ môi trường vừa có nhiên liệu đun nấu và thắp sáng. Đầu năm 2011 qua tích lũy vốn, ông Chính đã mua được gần 2 ha đất để mở rộng trồng cà phê và lúa nước. Nhờ cần cù làm lụng, tiết kiệm trong chi tiêu, cộng với việc áp dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất thu hoạch của gia đình ông năm nào cũng cao. Năm 2012 ông Chính đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá 150 triệu đồng. Dự tính đến cuối năm 2013 này ông sẽ thanh toán được các khoản nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tương tự, bà Đinh Thị Lan cũng ở thôn Quỳnh Tân 3 đã thoát nghèo bền vững nhờ nuôi cá. Dựa vào địa hình dốc rộng hơn 1 ha, bà Lan đã cùng các con đào ao thả cá. Do không có công lao động, lại thiếu tiền thuê máy múc đất nên 3 mẹ con bà cứ mỗi năm đào một ít rồi thả cá. Diện tích đất còn lại thì trồng rau “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay ao cá của gia đình bà có diện tích gần 1.000m2; mỗi năm từ thu hoạch cá cũng đã cho lãi hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra các khoản thu nhập khác từ vườn nhà cũng đem lại thu nhập không nhỏ cho gia đình bà. Và mô hình nuôi cá của gia đình bà đã trở thành mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn.

Tại thôn Quỳnh Tân 3, còn có gia đình chị Trịnh Thị Điểm cũng đã thoát nghèo bền vững từ sự cần cù, chịu khó và sự giúp đỡ của Hội nông dân thị trấn Buôn Trấp. Cách đây 3 năm, cuộc sống của 3 mẹ con chị rất khó khăn. Với bản tính cần cù, chăm chỉ lao động cộng với sự ham học hỏi, tham gia các lớp tập huấn thâm canh cải tạo vườn tạp và nhất là được vay vốn để trồng hơn 500 cây cà phê trong vườn rồi kết hợp với nuôi gà, kinh tế của gia đình chị đã dần ổn định. Đến năm 2012, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, cùng với số vốn tích lũy và sự giúp đỡ của anh em, làng xóm, chị Điểm đã làm được căn nhà với số tiền là 120 triệu đồng.

Ông Vũ Trọng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp cho biết: Hằng năm, qua công tác vận động, Hội Nông dân thị trấn có gần 85% nông dân đăng ký các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi gắn với địa chỉ giúp hộ nghèo cùng phát triển kinh tế. Có thể nói sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của người dân tại địa phương. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp, với bản chất cần cù, sáng tạo, nỗ lực trong lao động, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân thị trấn, hứa hẹn trong tương lai gần sẽ có nhiều gương điển hình vượt khó thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tăng hộ khá trên địa bàn…

Xuân Hòa 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.