Multimedia Đọc Báo in

Vụ đông xuân 2013-2014: Hạn hán đã bắt đầu!

08:10, 28/02/2014

Mới đầu mùa khô năm 2014 nhưng nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với hạn hán. Phần lớn diện tích này đều nằm ngoài kế hoạch, đặc biệt là lúa nước. Tuy nhiên đây không phải là điều mới lạ, vấn đề này đã được các cơ quan chức năng cảnh báo từ rất sớm.

Kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013 - 2014 của tỉnh là 41.050 ha cây trồng các loại, nhưng đến thời điểm này nông dân đã gieo trồng hơn 47.057 ha (vượt hơn 6 nghìn ha), trong đó diện tích lúa nước là 35.345 ha, vượt 5.759 ha. Những diện tích vượt kế hoạch lại thường nằm xa vùng cấp nước, nên nguy cơ hạn hán rất cao. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, chỉ mới đầu mùa khô, nhưng diện tích khô hạn đã lên đến 445 ha cây trồng các loại, trong đó có 170 ha lúa và 275 ha ngô. Trong tổng diện tích bị khô hạn có đến 312 ha cây trồng ngoài kế hoạch. Những địa phương có diện tích bị khô hạn nhiều là huyện M'Drak 309 ha (268 ha ngoài kế hoạch), Ea Súp 85 ha, Ea Kar 20 ha (20 ha ngoài kế hoạch), Krông Bông 15 ha (15 ha ngoài kế hoạch)...
Nông dân nhiều địa phương đang tích cực bơm nước vào đồng ruộng.
Nông dân nhiều địa phương đang tích cực bơm nước vào đồng ruộng.

Dự đoán trước tình hình khô hạn năm nay, ngay từ đầu vụ đông - xuân 2013-2014, Sở NN&PTNT đã có hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng. Theo đó tình hình thời tiết trong các tháng tới không có mưa, lượng nước cung cấp cho các sông suối trên địa bàn chủ yếu từ nguồn nước ngầm mà nguồn nước ngầm hiện nay duy trì ở mức thấp và đang suy giảm đáng kể do việc khai thác bừa bãi. Mặt khác mực nước trên các sông suối ở thời điểm cuối vụ hè thu năm 2013 đang ở mức thấp dưới mức trung bình. Do đó các sông suối nhỏ và vừa sẽ bị khô hạn hoặc giảm dòng chảy đáng kể. Để hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra đối với cây trồng vụ đông xuân 2013-2014, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân cần sản xuất theo hướng an toàn và hiệu quả trên cơ sở sử dụng các giống tốt và bố trí phù hợp với khả năng nguồn nước, đất đai nhằm né tránh các điều kiện thời tiết bất lợi, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kết hợp với đầu tư thâm canh. Kiên quyết không bố trí kế hoạch gieo cấy lúa nước trên các diện tích hay bị khô hạn trong các vụ trước; xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước hợp lý và tiết kiệm, ưu tiên cho cây cà phê và lúa... Hướng dẫn rất rõ ràng, nhưng kết quả thực hiện ra sao thì ai cũng biết.

Trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã thành lập các tổ kiểm tra, tiến hành rà soát thực trạng diện tích cây trồng ngắn ngày trên địa bàn toàn tỉnh. Theo kết quả kiểm tra, đến nay toàn tỉnh đã có 50 ha lúa đã chắc chắn mất trắng; nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như hiện nay, dự kiến cuối vụ riêng lúa nước sẽ có 1.158 ha bị ảnh hưởng. Theo đại diện Sở NN&PTNT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là do tập quán canh tác và ý thức tự giác của người dân chưa cao. Qua rà soát, hầu hết diện tích đang gặp khô hạn đều là những diện tích nhỏ lẻ, manh mún không đủ điều kiện cung cấp nước tưới. Tâm lý người dân chấp nhận "đánh bạc" với trời, nếu được thì tốt, không được thì cắt về... cho bò ăn. Riêng 85 ha lúa nước tại huyện Ea Súp, mặc dù nằm trong kế hoạch của huyện, nhưng do công trình đập chứa nước Ia J’lơi không đáp ứng đủ nhu cầu, huyện đã chủ động khuyến cáo người dân đẩy sớm lịch thời vụ lên trước 1 tháng, hiện vẫn còn nước để bơm tưới nên nhiều khả năng sẽ chỉ bị giảm năng suất chứ không bị mất trắng.

Theo Sở NN&PTNT, diện tích khô hạn cùng với điều kiện thời tiết như hiện nay thì toàn bộ diện tích gieo cấy vụ đông xuân trong kế hoạch vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng với những diện tích ngoài kế hoạch thì chưa thể nói trước được điều gì…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc