Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm nước sinh hoạt trên địa bàn Buôn Ma Thuột: Nỗ lực tìm giải pháp cấp bách và lâu dài

09:51, 01/04/2014

Đến hẹn lại lên, từ nhiều năm nay, mỗi khi bước vào mùa khô, người dân trên địa bàn Buôn Ma Thuột lại lo lắng, vất vả với việc thiếu nước sinh hoạt. Là đơn vị cung cấp dịch vụ này, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng cũng sốt sắng, tất bật để cố gắng phục vụ, bảo đảm nhu cầu của khách hàng…

Khách hàng tăng khi nguồn nước giảm

Đến mùa khô năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng đang phục vụ nhu cầu cấp nước với con số vào khoảng 45-46 nghìn m3/ngày đêm. Nhưng hiện tại năng lực thực tế từ các nguồn khai thác chỉ đáp ứng được khoảng 41 nghìn m3/ngày đêm, điều đó có nghĩa đang thiếu hụt 5 nghìn m3/ngày đêm. Tình hình thời tiết khô hạn, nhiều ngày không mưa đã khiến nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố là 30 giếng khoan và 3 mạch lộ thiên (Cư Pul, Ea M’Sen, Ea Ko Tam) đều đã sụt giảm, công suất chỉ còn khoảng 60%. Bể nước ở trụ sở cũ của Công ty, nằm trên đường Nguyễn Tất Thành đóng vai trò điều tiết nước cho thành phố, tính năng hiện cũng bằng không. Những thiếu hụt này là tất yếu khi nguồn nước ngày một sụt giảm nhưng con số khách hàng thì tăng. Chỉ tính riêng năm 2013, được coi là một trong những năm thiếu hụt nghiêm trọng, nhu cầu là 40 nghìn m3/ngày đêm nhưng thực tế chỉ đáp ứng được 23-25 nghìn m3/ngày đêm, nên trước Tết 1 tháng đã có hiện tượng thiếu nước, phải cắt nước luân phiên tại các địa bàn. Chỉ chưa đầy một năm sau, nhu cầu nước sinh hoạt đã tăng lên con số 46 nghìn m3/ngày đêm. Theo ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng, nguồn nước ngầm sụt giảm do khai thác quá mức, nước ngầm không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn làm nước tưới trong sản xuất. Giếng khoan mọc lên trong dân mà thiếu sự quản lý, quy hoạch. Thêm nữa, dân số gia tăng, tài nguyên nước thì có hạn chính là sức ép cho đơn vị làm dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, với mức giá 4.600 đồng/m3 nước hiện nay thì Dak Lak là một trong các tỉnh có mức giá thấp nhất nên gây khó khăn cho tái sản xuất, đầu tư mở rộng cũng như chưa tạo áp lực để người tiêu dùng phải sử dụng nước tiết kiệm một cách hợp lý. Theo kinh nghiệm, tình trạng khô hạn, thiếu hụt nguồn nước có sự đan xen giữa các năm. Vì vậy, với tình hình như hiện nay, mùa khô năm 2015 được báo hiệu sẽ còn khốc liệt, nguồn nước sinh hoạt có thể thiếu hụt nhiều hơn so với năm nay nếu không có những giải pháp cấp bách và lâu dài.

Nhiều gia đình phải huy động các dụng cụ trữ nước, bảo đảm cho sinh hoạt trong mùa khô hạn.        Ảnh: H.G
Nhiều gia đình phải huy động các dụng cụ trữ nước, bảo đảm cho sinh hoạt trong mùa khô hạn. Ảnh: H.G

Nỗ lực ứng phó

Để ứng phó trước tình trạng khô hạn của năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng đã thực hiện phương án điều phối nước theo ngày chẵn lẻ để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Theo đó, đối với những khu vực dùng nước từ các trạm bơm Cư Pul, Ea Kô Tam, 35 và Ea M’sen, các khu vực có nước vào ngày chẵn gồm: các xã Hòa Thắng, Hòa Đông, các phường: Tân Lợi, Ea Tam, Khánh Xuân và các khối 3, 4, 5, 9, 10 của phường Tân Thành. Các khu vực có nước vào ngày lẻ gồm: các phường Thắng Lợi, Thành Công, Thành Nhất, Tân Tiến,  xã Cư Êbur và một phần của phường Thống Nhất. Đối với các khu vực dùng nước từ trạm Đạt Lý, các khu vực có nước vào ngày chẵn gồm: phường Tân Lợi, buôn Dhă Prông (xã Cư Êbur); các khu vực có nước vào ngày lẻ gồm: phường Tân An. Lịch điều phối này được áp dụng từ ngày 27-3-2014 cho đến khi Công ty có phương án mới. Cùng với biện pháp điều phối luân phiên cấp nước tại một số địa bàn, Công ty cũng vận động nhân viên trực các ca đêm bơm hết công suất nước về thời điểm ban đêm. Con số thiếu hụt 5.000 m3/ngày đêm so với nhu cầu hiện nay, Công ty cũng tạm yên tâm khi đã chủ động tìm được nguồn để cung cấp, đó là dự kiến khoảng tháng 4 tới đây sẽ đưa vào khai thác nhà máy nước lấy từ hồ Ea Cuôr Káp. Còn về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu cũng như lường trước nguồn nước ngầm cạn kiệt, trong khi số lượng khách hàng ngày càng tăng lên, ngay từ năm 2008, Công ty đã chủ động báo cáo và xin ý kiến, đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện để Công ty được vay vốn và thực hiện Dự án cấp nước TP. Buôn Ma Thuột 35 nghìn m3/ngày đêm. Dự án này có tổng kinh phí 30 triệu USD, hiện đang điều chỉnh danh mục, triển khai thiết kế và dự kiến cuối năm nay sẽ đấu thầu thi công. Ngoài ra, Công ty cũng đã có văn bản trình UBND TP. Buôn Ma Thuột để được khai thác 5 nghìn m3/ngày đêm từ hồ Đạt Lý. Ông Thiện cho biết, nếu phương án này được giải quyết thì việc thiết kế, thi công chỉ khoảng 3 tháng là xong và có thể đưa vào khai thác, đón đầu, ứng phó được với mùa khô năm 2015.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty cũng tha thiết muốn gửi lời tới khách hàng rằng: Mọi nỗ lực của đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ là có hạn trước áp lực của vấn đề kinh phí đầu tư, tài nguyên nước ngày càng sụt giảm trong khi nhu cầu sử dụng ngày một tăng. Do đó, sự chia sẻ của khách hàng chính là một trong những giải pháp để bảo đảm cho việc khai thác được bền vững. Mỗi người, mỗi gia đình sài tiết kiệm hơn chính là phương án hay nhất để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô hạn.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc