Multimedia Đọc Báo in

Để giải quyết "lỗ hổng" trong quản lý thuế hộ kinh doanh hiện nay

08:54, 16/11/2014
Thời gian qua, cơ chế quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể (HKD) cơ bản đã được hình thành, công tác quản lý từng bước đã đi vào nền nếp, khung pháp lý cũng dần được hoàn thiện, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10-15%.

Tuy nhiên, trên thực tế cơ chế quản lý đối với HKD còn khá nhiều bất cập và hạn chế, làm giảm hiệu quả quản lý và gây thất thu NSNN, cần được khắc phục và xóa bỏ kịp thời. Có thể kể ra như: Công tác quản lý thuế còn thiếu sự cập nhật về quy trình nghiệp vụ, thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết về kỹ năng quản lý; một số văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Công tác quản lý danh bạ HKD và cấp mã số thuế còn nhiều sai sót về số đối tượng, cấp mã số thuế quản lý thực tế. Tình trạng tờ khai thuế không được Cơ quan Thuế khai thác sử dụng theo quy định, hệ lụy là khi xác định căn cứ tính thuế, một số chi cục thuế không dựa vào tờ khai của HKD mà dựa vào số thuế thu được hằng tháng để tính ngược lại doanh số và nhập vào ứng dụng nên các căn cứ tính thuế của HKD đã thiếu tính khách quan, trung thực. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý thuế - đăng ký kinh doanh – thống kê - quản lý thị trường – tài nguyên môi trường của địa phương chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan này trong quản lý thuế nên đã dẫn đến tình trạng nhiều hộ đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp mã số thuế và ngược lại nhiều HKD thực tế đã kinh doanh, đã được Cơ quan Thuế quản lý thu nhưng lại chưa được đăng ký kinh doanh theo quy định. Quy trình quản lý thuế HKD và căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế chưa cụ thể vai trò, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các đối tượng tham gia quản lý, đặc biệt là vai trò của Hội đồng Tư vấn thuế xã, phường chưa được đặt đúng tầm nên dẫn đến tình trạng không bao quát hết nguồn thu, đối tượng trên địa bàn thôn, xã; doanh thu khoán ở hầu hết các hộ đều chưa phù hợp với thực tế (hộ khoán doanh thu cao, hộ khoán thấp vừa gây ra tình trạng lạm thu, vừa thất thu). Công tác điều tra doanh thu, điều tra ngành nghề sản xuất kinh doanh được làm qua loa, hời hợt. Tình trạng bỏ ngoài bộ thuế tiêu thụ đặc biệt của các HKD karaoke, massage và sản xuất rượu vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Chế độ kế toán HKD được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2000, hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với sự phát triển lớn mạnh của HKD nhưng chưa sửa đổi, bổ sung nên gây ra khó khăn trong việc xác định điều kiện, đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế, loại hóa đơn được sử dụng.

Để giải quyết “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý thuế HKD có thể dẫn đến thất thu NSNN như đã nêu trên, thiết nghĩ ngành Thuế cần chú trọng thực hiện các giải pháp có tính quyết liệt và đồng bộ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trước tiên cần rà soát, nắm chắc nguồn thu và số lượng HKD trên địa bàn, phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm số hộ để có giải pháp kịp thời, phù hợp trong quản lý từng đối tượng, ngành nghề và khu vực sản xuất kinh doanh. Để thực hiện, các chi cục thuế phải chủ động phối hợp với các ngành liên quan như: Tài chính, Thống kê, Kinh tế hạ tầng, đô thị để nắm bắt kịp thời thông tin các HKD trên địa bàn.

Thứ hai, tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tích cực đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HKD; tích cực giải quyết chính sách liên quan đến đất đai sản xuất, kinh doanh của các hộ trên địa bàn.

Thứ ba, không ngừng tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, nộp, miễn giảm hoàn thuế của các HKD. Thực hiện tốt công tác quản lý kê khai thuế của các HKD. Thường xuyên rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số HKD, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh đang hoạt động, tạm ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích hoặc kinh doanh vãng lai để bảo đảm 100% đối tượng này đang hoạt động phải kê khai thuế.

Thứ tư, tham mưu UBND các cấp thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và thu nợ về HKD để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng, khai thác tăng thu, bù đắp hụt thu từ HKD trên địa bàn chú trọng gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và gắn với hoạt động thi đua của các đơn vị.

Thứ năm, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ về thuế tập trung vào đối tượng HKD thông qua những hình thức phù hợp, gần gũi, hiệu quả để giải đáp kịp thời vướng mắc khó khăn trong chấp hành pháp luật thuế của HKD. Thành lập các bàn tư vấn thuế di động đến từng địa bàn trung tâm xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thuế, từ đó tạo ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế với Nhà nước, đồng thời giúp cho các HKD chủ động phòng tránh các sai sót, vi phạm do hạn chế về nhận thức pháp luật thuế.

Ths. Đăng Thủy

(Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.