Multimedia Đọc Báo in

10 năm thăng trầm cây ca cao

11:19, 25/08/2015

Mặc dù có mặt ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XX nhưng cây ca cao chỉ mới thực sự phát triển trong  vòng 10 năm trở lại đây thông qua rất nhiều dự án. Tuy nhiên, đến nay, cây ca cao vẫn không đạt được mục tiêu như đã đề ra.

Chiến lược phát triển chưa hợp lý

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện cả nước có gần 11.700 ha ca cao, tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nhất là ở Bến Tre và Đắk Lắk, trong đó, 70% diện tích đang cho thu hoạch. Sau 10 năm phát triển, năng suất, sản lượng ca cao cả nước được nâng lên đáng kể, bình quân đạt 8 tạ khô lên men/ha; sản lượng từ 30 tấn năm 2005 lên gần 6.600 tấn năm 2015. Đặc biệt ca cao có chứng nhận được triển khai ngay từ những năm đầu, vì vậy chất lượng hạt của Việt Nam, nhất là ở Đắk Lắk được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao. Năm 2015, cả nước có 2.209 ha, 3.044 hộ thuộc 14 đơn vị đã sản xuất được 2.208 tấn hạt được chứng nhận UTZ. Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng nhìn chung diện tích, năng suất ca cao tăng chậm, hiệu quả kinh tế mang lại chưa như kỳ vọng. Hiện nay, diện tích mới đạt trên 33,34%, sản lượng 26,38% kế hoạch. Đáng quan tâm là diện tích ca cao đang có chiều hướng giảm, so với năm 2012, cả nước đã giảm đến 14.000 ha, trong đó Bến Tre giảm mạnh nhất, hơn 7.800 ha; riêng Đắk Lắk giảm khoảng 300 ha, trong khi theo kế hoạch năm 2015 sẽ phát triển lên 6.000 ha.  Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ngay từ đầu, định hướng phát triển ca cao là không đúng, bởi thực tế, đây không phải là loại cây dễ trồng và dành cho người nghèo mà là cây cần vốn đầu tư khá lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Mặt khác, ca cao là loại cây trồng đi sau nên phải cạnh tranh gay gắt với các loại cây công nghiệp khác. Trong khi đó, các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho cây ca cao hầu như không có, nông dân trồng ca cao khó tiếp cận các gói tín dụng để đầu tư phát triển. Cũng theo nhiều chuyên gia về ca cao, việc chọn đối tượng là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất khó, vùng sâu vùng xa để phát triển một cây trồng mới, đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao như cây ca cao thì sẽ khó thành công và thực tế đã chứng minh điều đó. Do vậy, thời gian tới cần phải thay đổi chiến lược phát triển để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Điểm thu mua trái ca cao ở huyện Krông Pắc.
Điểm thu mua trái ca cao ở huyện Krông Pắc.

Cơ hội vẫn rộng mở

Nguồn cung ca cao hiện không đáp ứng đủ nhu cầu trong vòng 5-10 năm tới vì năng suất của thế giới liên tục giảm, nhất là tại châu Phi và Indonesia do vườn cây già cỗi, mẫn cảm với sâu bệnh, đồng thời nhiều nông dân của các nước này đang chuyển sang trồng những cây khác đơn giản hơn như cao su, cọ dầu. Trong khi đó, nhu cầu về ca cao ở nhiều nước đang tăng mạnh, trong đó Ấn Độ và Brazin tăng hơn gấp đôi và tại Trung Quốc tăng gấp ba, sôcôla là tiểu ngành trong ngành hàng bánh kẹo có mức tăng trưởng cao nhất và dự báo sẽ lên ngôi trong những năm tới; hằng năm, Châu Á vẫn phải nhập khẩu nửa triệu tấn ca cao. Theo đánh gia của các chuyên gia, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một trong những quốc gia sản xuất ca cao chất lượng cao của châu Á, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở châu Á xuất khẩu hạt ca cao lên men và có vị thế chiến lược để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men chất lượng cao cho các nhà sản xuất sôcôla (trong đó ca cao Đắk Lắk được đánh giá rất cao về chất lượng). Mặt khác, là nước đi sau nên Việt Nam rút được kinh nghiệm từ các quốc gia khác và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… Tuy nhiên, theo ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc phát triển Ca cao Việt Nam (Mars Incorporated) có 3 yếu tố cần để tiếp tục phát triển ngành ca cao, đó là: cần nâng năng suất trung bình lên mức 2 kg hạt khô/cây (tương đương với 2 tấn/ha); cần sự tham gia của doanh nghiệp làm lực lượng dẫn dắt ngành hàng và cần các chính sách của Nhà nước để thúc đẩy phát triển.  Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cây ca cao đang đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển, vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh cách tiếp cận và đưa ra các giải pháp phù hợp. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch để có hướng phát triển phù hợp với cơ cấu cây trồng, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng… tạo đà cho ca cao phát triển theo hướng chuyên nghiệp ngành hàng.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc