Multimedia Đọc Báo in

Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, đâu là nút thắt?

08:20, 04/08/2015

Trong xu thế chung của kinh tế thế giới, để phát triển ổn định, bền vững thì liên kết vùng giữ vai trò mấu chốt quyết định hình thành nên vùng quy hoạch và các liên minh đi kèm. Đặc biệt, chính sự liên kết giữa các cá thể độc lập riêng rẽ với nhau sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của các bên liên kết, là nhu cầu hợp tác và hội nhập tất yếu có tính bắt buộc trong xu hướng toàn cầu hóa của mỗi vùng.

Vẫn còn đề cao  lợi ích cục bộ

Nằm phía Tây Nam Việt Nam, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.700 km2, chiếm 16,3% diện tích của cả nước, trở thành một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm. Với độ cao từ 250 – 2.500m, khí hậu Tây Nguyên mát mẻ quanh năm, đất đỏ bazan giàu dinh dưỡng thích hợp cho việc phát triển các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang tính chủ lực của cả nước như cà phê, hồ tiêu, ca cao, điều, chè, cao su, mía, sắn, lâm sản… Song song với đó, các dân tộc Tây Nguyên cũng có những nét văn hóa đặc sắc độc đáo riêng từ trang phục, ẩm thực đến nếp sống đã khơi gợi sự tò mò, mong muốn khám phá tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước, rất thích hợp để phát triển du lịch… Ngoài ra, Tây Nguyên còn là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên trong đó có những sản phẩm mang ý nghĩa chiến lược lớn đối với quốc gia đó là quặng Bô - xít.

Quốc lộ 14 được nâng cấp, sửa chữa thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa vùng Tây Nguyên                      với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Quốc lộ 14 được nâng cấp, sửa chữa thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa vùng Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.

Để phát huy những tiềm năng lợi thế vốn có, những năm qua, vùng Tây Nguyên được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm với việc ban hành nhiều chính sách và ưu tiên tăng cường nguồn lực, nguồn vốn đầu tư với 3 sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai), Liên Khương (Lâm Đồng) có đường bay thẳng đến các trung tâm kinh tế lớn Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…, các tuyến Quốc lộ 19, 20, 24, 25, 26, 27,28, đường Đông Trường Sơn, Đà Lạt – Nha Trang… đã giúp kết nối Tây Nguyên với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm nông sản chủ yếu vẫn dưới dạng nguyên liệu như cà phê hiện có khoảng 100 doanh nghiệp chế biến nhưng chỉ khoảng 10% là chế biến cà phê rang xay; các cơ sở chế biến cao su nhỏ lẻ, không ổn định, chế biến chè thủ công, năng suất thấp…

Xét theo tiêu chí của chuỗi sản phẩm vùng thì Tây Nguyên mới chỉ hình thành tương đối rõ rệt với chuỗi sản phẩm cà phê nhưng hiện tại vấn đề kết nối vùng của lĩnh vực này vẫn còn thiếu vị trí của người nhạc trưởng. Các doanh nghiệp vẫn còn cạnh tranh, giành giật nguyên liệu với nhau đã cắt vụn chuỗi cung ứng cà phê thế mạnh của vùng, làm giảm khả năng cạnh tranh ngay từ trong nước. Sự thiếu phân công hợp tác giữa các doanh nghiệp đã gây nên những khó khăn cho các địa phương khi thực hiện tái canh cà phê, phát triển cà phê bền vững…

Cần có Luật  về liên kết kinh tế

Nhằm thúc đẩy kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Thời báo kinh tế vừa tổ chức hội thảo liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực hạ tầng giao thông, nông nghiệp, du lịch... Theo nhiều đại biểu, hiện trạng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của các tỉnh Tây Nguyên thì liên kết nội vùng vẫn chưa phải là nội dung đích thực và có vị trí quan trọng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế  - xã hội của các tỉnh. Các hoạt động liên kết kinh tế được thể hiện bằng các văn bản hợp tác, liên kết kinh tế, được ký giữa lãnh đạo cấp tỉnh của vùng Tây Nguyên với các tỉnh ngoài nhiều hơn là nội vùng. Thực tế, các sản phẩm hàng hóa xuất khỏi địa phương đều được chuyển thẳng bằng đường bộ ra khỏi vùng đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… hơn là tham gia theo chuỗi hay mạng sản xuất nội vùng. Tiến Sĩ Hoàng Ngọc Phong, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, bên cạnh ban hành Luật Quy hoạch thì cần sớm ban hành Luật Liên kết kinh tế (hay Luật Liên kết địa kinh tế hoặc Luật Liên kết kinh tế lãnh thổ) với sứ mạng sắp xếp, chuẩn hóa lại tất cả các loại liên kết địa kinh tế nước ta, quy định cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động, cơ chế liên kết của chúng trong đó có một chương về vùng kinh tế. Sở dĩ cần phải có văn bản tầm luật để có tầm pháp lý tương đương để điều phối phát triển, liên kết tỉnh, thành phố trong vùng. Đồng tình với ý kiến trên, Phó Giáo sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, vấn đề liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên đã được đề cập đến rất nhiều nhưng để liên kết đi vào thực tiễn thì cần phải có chính sách cụ thể. Nội tại tiềm năng của vùng nhiều nhưng các tỉnh vẫn thiếu kinh phí đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn có nhu cầu đầu tư nhưng lại thiếu cơ chế, do vậy cần phải xây dựng chính sách liên kết phát triển vùng theo hướng mở cửa linh hoạt để thu hút đầu tư cũng như mở rộng thị trường. Con người là chủ thể của các hoạt động, do vậy nhân lực là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công của liên kết. Không chỉ đào tạo, thu hút nhân tài mà các tỉnh cần phải ngồi lại với nhau nhiều hơn để cùng bàn luận, đưa ra các giải pháp liên kết để phát huy lợi thế của mình, tránh sự chồng chéo trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch, khu kinh tế, cơ chế kết hợp, chia sẻ lợi ích giữa các địa phương…

Chế biến gỗ dăm tại HTX Tiến Nam, huyện M’Đrắk.
Chế biến gỗ dăm tại HTX Tiến Nam, huyện M’Đrắk.

Phát huy lợi thế trung tâm vùng, những năm qua Đắk Lắk đã chủ động làm cầu nối liên kết hợp tác giữa các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa) với Tây Nguyên trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, thương mại du lịch, công nghiệp; tham gia Chương trình hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam… Bên cạnh đó, trong thời gian tới, một số dự án có tính chất kết nối vùng, liên tỉnh sẽ được đầu tư như: nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng Bệnh viện vùng Tây Nguyên, mở rộng trường Đại học Tây Nguyên… Sự liên kết đã bước đầu hình thành định hướng liên kết, tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là ở phương diện nhân lực, y học.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc