Multimedia Đọc Báo in

Thu hồi đất rừng bị lấn chiếm: Vẫn chưa hết khó

09:28, 16/05/2016

Qua kiểm tra, rà soát, toàn tỉnh có trên 50.970 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Việc thu hồi diện tích này đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức...

Khó chồng khó

Qua kết quả kiểm tra, rà soát, tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép của toàn tỉnh lên đến 50.975,01 ha, trong đó, diện tích bị lấn chiếm trước năm 2008 là 24.503,75 ha, từ năm 2008 đến tháng 6-2014 là         26.471,27 ha. Mặc dù các địa phương có xây dựng phương án thu hồi nhưng quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Tại huyện M’Đrắk, theo kết quả rà soát toàn huyện có trên 1.247 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép. Trong đó, gần 220 ha rừng, đất lâm nghiệp do Công ty  TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý; trên 100 ha thuộc BQL rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, trên 800 ha thuộc Xí nghiệp nguyên liệu giấy Tân Mai; số còn lại là diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các xã Cư San, Ea Trang và Cư Prao. Từ năm 2012, mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, thống kê xử lý và thực hiện cưỡng chế, phá bỏ cây trồng, tháo dỡ lán trại trên diện tích rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép và phục hồi lại rừng trên diện tích này theo tinh thần Chỉ thị 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay chỉ mới thu hồi 4,75 ha tại xã Krông Á và xã Cư San, tháo dỡ 12 lán trại làm trong rừng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk, công tác xử lý, thu hồi đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại địa phương gặp khá nhiều khó khăn, bước đầu ngành chức năng của huyện phối hợp cùng chủ rừng tổ chức họp dân tuyên truyền,vận động người dân trả lại diện tích rừng lấn chiếm cho chủ rừng. Tuy nhiên, việc thu hồi đất rừng nơi đây khó vẫn chồng khó khi các cuộc họp không đạt được những  thỏa thuận, thống nhất về lợi ích giữa 2 bên.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra rừng của Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra rừng của Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành.

Còn tại huyện Ea Súp, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cũng gặp không ít trở ngại, nhất là đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thuộc các công ty lâm nghiệp quản lý. Đơn cử như hơn 100 ha đất Lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh thu hồi để trồng lại rừng bị người dân cản trở, lén lút nhổ, phá bỏ cây trồng. Tương tự, tại huyện Cư M’gar, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cũng giải toả, thu hồi 65 ha tại lô 2 và 3, khoảnh 13, tiểu khu 547A để trồng lại rừng, nhưng sau khi thiết kế trồng lại 34 ha rừng thì bị người dân cản trở, phá bỏ cây trồng...

Kiên quyết với người chây ì

Trong số 50.975,01 ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, có trên 26.000 ha (lấn chiếm từ năm 2008 đến nay) thuộc diện phải thu hồi, đến nay toàn tỉnh chỉ mới thu hồi được khoảng 600 ha. Nguyên nhân được xác định là do các cấp, ngành còn nhiều lúng túng trong phương pháp tổ chức thực hiện, một số địa phương thiếu quan tâm, chưa vào cuộc quyết liệt; việc phân loại hiện trạng thực tế và xác định đối tượng đang canh tác sử dụng đất lâm nghiệp trái phép chưa đầy đủ nên việc lập phương án xử lý gặp khó khăn; phương pháp chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, căn cứ cơ sở pháp lý để giải tỏa, cưỡng chế chưa được các ngành chức năng thực hiện đồng bộ… Theo ông Lê Cước, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị 1685, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều hội nghị quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và chỉ đạo thành lập nhiều đoàn kiểm tra tình hình xâm hại tài nguyên rừng. Qua đó, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với chủ rừng trong tổ chức tuyên truyền, ký cam kết nêu rõ thời hạn trả lại đất cho chủ rừng, ưu tiên cho những hộ chấp hành cam kết được thu hoạch các sản phẩm cây trồng ngắn ngày của mùa vụ cuối cùng trên diện tích giải tỏa, đồng thời thông báo cho nhân dân biết những trường hợp không tự nguyện giải tỏa sẽ bị cưỡng chế theo quy định. Kiên trì, mềm mỏng vận động người dân nhưng cũng cần kiên quyết đối với những trường hợp chây ì, cố ý không hợp tác cũng chính là để việc thu hồi không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bên cạnh đó, để bảo đảm sinh kế cho người dân, chủ rừng cũng tạo điều kiện sẵn sàng liên kết với người dân trồng lại rừng trên diện tích đã thu hồi. 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc