Multimedia Đọc Báo in

"Đệ nhất cúc chậu" ở Duy Hòa

17:38, 29/01/2017

Người trồng hoa ở Duy Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) không ai là không biết đến ông Huỳnh Văn Đức, người được mệnh danh là “đệ nhất cúc chậu” bởi kỹ năng trồng cúc chậu đẹp nhất vùng.

Từ niềm đam mê…

Ông Đức nói rằng, mình bén duyên với nghề trồng hoa từ hơn 20 năm về trước. Thời ấy, nghề trồng hoa chưa phát triển như bây giờ, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Sau nhiều năm vật lộn với các loại cây trồng truyền thống như lúa nước, rau màu các loại, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao, ông quyết định chuyển sang trồng hoa trên mảnh vườn gần 3 sào đất của gia đình. Sau quá trình trồng thử nghiệm các loại hoa khác nhau, ông quyết tâm theo đuổi kỹ thuật trồng loài hoa cúc kim cương. Đây là loài hoa không chỉ tiêu thụ được quanh năm mà trong dịp Tết, hoa cúc kim cương không thể vắng mặt trong rất nhiều gia đình. 

Thời gian đầu, công việc trồng hoa của ông khá vất vả, từ việc cấy mô, ươm tạo giống đến nhân giống hoa để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương… tất cả đều yêu cầu quy trình kỹ thuật phức tạp và nghiêm ngặt. Ông kiên trì khăn gói đến tận Đà Lạt để chọn từng hạt giống, và tranh thủ tìm hiểu kỹ thuật. Cùng với đó, ông mày mò nghiên cứu về thổ nhưỡng và các đặc điểm sinh trưởng của hoa cúc. Lấy ngắn nuôi dài, ông Đức dành một phần đất trong vườn để trồng thử nghiệm hoa cúc kim cương, phần còn lại ông trồng xen các loại hoa và rau thời vụ dễ trồng và chăm sóc. Phải mất hơn 3 năm bền bỉ kiên trì, ông Đức mới chọn được cây giống hoa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Vườn hoa cúc của ông Đức phục vụ cho Tết Nguyên đán.
Vườn hoa cúc của ông Đức phục vụ cho Tết Nguyên đán.

Ông Đức kể: “Những ngày đầu mới chập chững với nghề, đã có lúc tôi vô cùng chán nản và thất vọng khi những hạt giống mình bỏ công sức tìm kiếm từ xa về nhưng vẫn không nảy mầm. Rồi đến khi ươm nảy mầm được, cây lại không phát triển chiều cao và tầng lá... Vậy nhưng một thoáng nản lòng đó không dập tắt được niềm đam mê. Tôi lại khăn gói lên đường kiên trì học hỏi thêm kinh nghiệm trồng và chăm sóc từ các vườn hoa ở Đà Lạt…”. 

Khó khăn không chỉ ở khâu làm đất, chọn giống mà giai đoạn chăm sóc và trừ bệnh cho lá cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao. Ông Đức cho biết, cúc kim cương rất dễ bị hư lá. Cúc không có hoặc ít lá thì không đẹp, khi bán sẽ mất giá. Chính vì vậy mà ông đã phải bỏ ra không ít thời gian và công sức để nghiên cứu cách trồng và trị được bệnh hư lá của cúc kim cương. Sau mỗi vụ hoa ông đều ghi chép và cân đối lại lượng phân đã bón và hiệu quả để có thể rút kinh nghiệm cho vụ sau. Trải qua hàng chục vụ hoa ông mới có thể tìm được “công thức” bón phân tốt nhất cho vườn cúc của mình.

Trở thành triệu phú từ nghề trồng hoa

Sau nhiều năm kiên trì “vật lộn” với… hoa cúc, kết quả là đất và hoa đã không phụ công người. Từ những ngày đầu lơ thơ vài chậu cúc, đến nay vườn hoa nhà ông Đức đã lên đến hàng nghìn chậu. Những chậu hoa cúc của gia đình ông Đức năm nào cũng đẹp nhất vùng, bông to đều, lá dày, xanh mướt và ít khi bị nhiễm sâu bệnh. Nhờ vậy mà hoa của ông bán được giá nhất và cũng hết nhanh nhất trong vùng... Tùy theo giá thị trường, nhưng giá hoa cúc chậu nhà ông Đức năm nào cũng có giá cao hơn thị trường khoảng 50 nghìn đồng/chậu. Cứ sau mỗi vụ hoa Tết, ông Đức thu lãi từ 100-150 triệu đồng. 

Đến thăm làng hoa Duy Hòa, vườn cúc chậu nhà ông Đức nổi bật hơn hẳn bởi “trăm chậu như một” đều cành răm rắp, lá xanh um bắt mắt. Theo ông Đức, năm nay nhờ khâu chọn giống và chăm sóc tốt nên cúc chậu phát triển thuận lợi, tỷ lệ thành công lên đến 80%. Từ mấy tháng trước, các thương lái đã đến đặt hàng mua hoa Tết. Chị Nguyễn Thị Ly, hàng xóm ông Đức cho biết: Cứ sáng mở mắt ra là đã thấy ông Đức quanh quẩn bên mấy chậu cúc, hết tỉa tót lại bón phân tưới nước… Cho đến đêm có khi vẫn còn thấy ông ngoài vườn. 

Khi được hỏi về bí quyết để có những chậu cúc đều bông và đẹp, ông Đức không ngần ngại chia sẻ: “Trồng cúc chậu rất kén đất và chế độ chăm sóc. Vì vậy, người trồng phải cải tạo đất, bón lót để đất luôn tươi xốp, giàu chất dinh dưỡng và giữ độ ẩm cao; đảm bảo đủ chất vi lượng, hạn chế dùng phân hóa học; đặc biệt hoa cúc rất “kỵ” dư đạm. Một yếu tố nữa mang tính quyết định đó là điều chỉnh ánh sáng đèn điện phù hợp để tác động vào sự phát triển chiều cao của cây hoa”.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.