Multimedia Đọc Báo in

Ca cao lại mất mùa, mất giá

10:49, 05/04/2017

Đắk Lắk đang trong mùa vụ thu hoạch ca cao trái mùa, nhưng năm nay ca cao bị mất mùa nặng, nhiều vườn gần như không có quả để thu hoạch.

Ông Nguyễn Như Mạo, thôn Tân Hưng, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắc có 1,5 ha ca cao xen canh cà phê cho biết, gia đình ông luôn có người túc trực trong vườn cây để chăm sóc. Những năm trước, gia đình chỉ việc thăm vườn định kỳ tuần/lần vừa bón phân vừa thu hoạch lai rai, sản lượng thu được hằng năm gần 3 tấn, với giá bán dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng/năm; năm nay, ca cao mất mùa lại bị sâu bệnh nhiều nên gia đình chỉ thu được 7 tạ. Trên vườn, tỷ lệ cây đậu quả rất ít, có những cây ra hoa nhiều nhưng cả năm chỉ thu được 3 – 4 quả do quả bị thối hoặc bị bọ xít, rệp tấn công. Không chỉ mất mùa mà giá bán ca cao năm nay cũng rất thấp, hiện các thương lái chỉ thu mua 45.000 – 46.000 đồng/kg nên ca cao bán ra không đủ chi phí sản xuất. Bà Trần Thị Mỹ Duyên, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana có vườn ca cao 1,2 ha được hơn 10 tuổi cho hay, vườn ca cao của bà mỗi năm thu về gần 4 tấn nhân, sau khi trừ chi phí thì lãi hơn 250 triệu đồng/năm. Năm nay, cả vườn chỉ thu được hơn 2 tấn nhân, giá lại thấp nên bà chỉ thu về khoảng 80 triệu đồng.

Vườn ca cao của bà Trần Thị Mỹ Duyên (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) năm nay khá thưa trái.
Vườn ca cao của bà Trần Thị Mỹ Duyên (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) năm nay khá thưa trái.

Theo bà con nông dân, ca cao mất mùa là do ảnh hưởng của thời tiết. Cụ thể, thời điểm ca cao ra hoa, đậu trái vào tháng 10, 11 hằng năm. Những tháng cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa trái mùa nên hoa ít, tỷ lệ đậu trái thấp. Đặc biệt, mưa kéo dài, số ngày nắng ít, không đáp ứng đủ nhu cầu quang hợp của cây, trong khi đó độ ẩm trong vườn tăng cao nên rệp, nấm bệnh phát sinh tấn công gây nên bệnh thối trái đồng loạt trên vườn khiến quả bị rụng nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng hạt ca cao, kéo theo giá ca cao lên men xuống thấp.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến năm 2020 toàn tỉnh ổn định diện tích ca cao khoảng 3.000 ha (hiện tại đã có 2.100 ha), định hướng đến năm 2030 tăng lên 5.000 ha. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo, để phát triển ca cao bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu thì người dân nên đa dạng hóa vườn cây bằng việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn. Đặc biệt, cây ca cao có chi phí đầu tư thấp, tốn ít nhân công hơn so với các cây trồng khác nhưng lại mẫn cảm với sâu bệnh vì vậy nông dân nên áp dụng biện pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp IPM, thường xuyên thăm vườn để nắm bắt tình hình phát triển của cây trồng, phát hiện và có biện pháp phòng, trừ hiệu quả.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.