Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần nỗ lực từ nhiều phía

16:48, 18/05/2017
Ngày 17-5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, theo đó rất nhiều chính sách liên quan đến doanh nghiệp (DN) được bàn thảo sâu và giải quyết thấu đáo.
 
Tính hiệu quả từ Nghị quyết của Chính phủ
 
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN, coi DN là động lực phát triển kinh tế, lấy tinh thần phục vụ DN làm phương châm hoạt động của chính quyền các cấp. Đặc biệt, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ phát huy hiệu quả đã hỗ trợ mạnh mẽ cho DN trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay đã có 4.527/4.723 (95,85%) thủ tục hành chính được đơn giản hóa; 63/63 tỉnh, thành đã ký cam kết với Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; các địa phương đã thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và giải đáp khó khăn của DN; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho DN. Môi trường kinh doanh thuận lợi đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các DN… Với những kết quả Nghị quyết 35 mang lại, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016, Việt Nam đã tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh, với 5 chỉ số tăng hạng.
 
Chỉ thị số 20 CT-TTg được Thủ tướng ký ngay tại Hội nghị
Chỉ thị số 20 CT-TTg được Thủ tướng ký ngay tại Hội nghị. Nguồn: Chinhphu.vn
Ngay tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35, tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực thực thi Nghị quyết này. Thủ tướng cũng cam kết sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả…
 
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy
 
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, vẫn còn có khoảng cách giữa chính sách và thực thi, dẫn đến DN vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh phiền hà, tốn thời gian và chi phí của DN. Đặc biệt, các giải pháp giảm chi phí cho DN chưa đi vào thực tế và còn chậm làm tăng gánh nặng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của DN. 
 
Lãnh đạo tỉnh tham quan một dự án đang đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk
Lãnh đạo tỉnh tham quan một dự án đang đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk
Đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, DN còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó, bức xúc nhất chính là chi phí chính thức và không chính thức tăng cao, nhiều thủ tục chồng chéo, thời gian thực hiện kéo dài, DN còn thường xuyên bị kiểm tra, thanh tra (thuế, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy…) khiến cho năng lực cạnh tranh của DN bị hạn chế. Nguyên nhân là bởi sự thờ ơ của những người thừa hành công vụ không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đầy đủ cho DN, tìm cách bắt lỗi DN, quan liêu, chưa coi DN là đối tượng phục vụ.. 
 
Tuy nhiên, ông Thân cũng nhấn mạnh, chính vì sự yếu kém trong khâu thực thi đã dẫn đến nếu DN muốn được việc thì phải "chung chi" theo kiểu "của công chia ba, của nhà chia đôi", đây là vấn đề tương đối phổ biến. Từ phía DN, chạy theo xu thế kinh doanh bằng "quan hệ" thay thế cho năng lực yếu kém của mình nên đã chủ động "chi ngầm" để có được các thuận lợi trong kinh doanh. Để khắc phục hiện tượng này phải xuất phát từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và DN. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững. Bên cạnh đó, các DN  cần phải tạo thói quen, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc