Multimedia Đọc Báo in

Ea M'droh gặp khó trong công tác giảm nghèo

09:54, 13/06/2017

Xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) hiện có 1.778 hộ với 8.283 khẩu được định cư ổn định tại 11 đơn vị thôn, buôn.

Đây là xã vùng 3 duy nhất của huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2016, xã Ea M’droh đã triển khai nhiều chương trình của Chính phủ, của huyện hỗ trợ nhân dân xóa đói giảm nghèo như: Chương trình 167, 135, cấp gạo cứu đói giáp hạt, hạn hán, cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ tiền điện, tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo vào các dịp lễ, tết… với trị giá hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể xã Ea M'droh còn hỗ trợ 1.157 lượt hộ có hoàn cảnh khăn được vay vốn trên 26 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình; phối hợp tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, các lớp dạy nghề, triển khai xây dựng các mô hình trình diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhân dân học tập.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư M'gar tham quan mô hình trồng hồ tiêu. Ảnh minh họa
Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cư M'gar tham quan mô hình trồng hồ tiêu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những nỗ lực trên dường như chưa mang lại kết quả mong muốn. Số hộ nghèo, cận nghèo của xã không những không giảm mà tỷ lệ hộ tái nghèo, cận nghèo lại tăng mạnh. Theo ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea M’droh, nguyên nhân số hộ nghèo và cận nghèo tăng cao trong năm 2016 là do địa bàn xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trong khi đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, địa bàn lại có ít sông, hồ, ao, kênh mương cung cấp nước tưới phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tình hình hạn hán diễn ra nghiêm trọng trong năm 2016 đã khiến nhiều diện tích cây trồng mất trắng với 1.404 hộ bị thiệt hại nên đã tác động trực tiếp đến đời sống và thu nhập của người dân.

Đơn cử như ở thôn Đồng Giao hiện có 81 hộ, 396 khẩu chủ yếu là người Dao, trong đó có tới 68 hộ nghèo. Người dân trong thôn chủ yếu trồng cà phê, lúa và các loại hoa màu ngắn ngày song do đất bạc màu, trình độ canh tác còn lạc hậu và tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài, kênh mương không bảo đảm nguồn nước tưới khiến việc canh tác không hiệu quả. Cánh đồng lúa chính của thôn có diện tích gần 60 ha chỉ gieo cấy được vào mùa mưa, những mùa khác thì bỏ hoang. Người dân trong thôn đều phải sang các vùng khác để làm thuê, làm mướn.

Cũng do cuộc sống của nhân dân rất khó khăn nên việc huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội rất khó. Đến nay, xã Ea M'droh mới chỉ đạt được 10 tiêu chí nông thôn mới và là địa phương có số tiêu chí đạt thấp nhất so với các địa phương khác trong huyện. Ông Trần Viết Lai cho biết: “Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho xã vùng khó khăn, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ chức tín dụng; chú trọng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình của địa phương. Xã đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2017 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 25-27% và hộ cận nghèo xuống khoảng 12%”.

Theo báo cáo điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo,  đầu năm 2016 xã Ea M’droh có 569 hộ nghèo, 188 hộ cận nghèo thì đến cuối năm 2016 đã tăng lên 647 hộ nghèo (tỷ lệ 36,39%) và 334 hộ cận nghèo (tỷ lệ 18,79%); tập trung chủ yếu tại 3 buôn là buôn Cuôr (99 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo), buôn Ea M’droh (124 hộ nghèo, 47 cận nghèo), buôn Dhung (137 hộ nghèo, 46 cận nghèo). 

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.