Multimedia Đọc Báo in

Quản lý, bảo vệ rừng ở Ea Súp: Rất cần được "tiếp sức"

06:54, 01/08/2018

Là địa phương có diện tích rừng lớn, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm rừng và đất rừng diễn ra phức tạp khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Ea Súp gặp rất nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 66 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 170,46 m3 gỗ, 38 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước 300 triệu đồng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi có đến hơn 31 ha rừng bị phá trong vòng 6 tháng đầu năm, trong đó có những vụ phá rừng với quy mô lớn. Điển hình là vào ngày 14-5 mới đây, lực lượng chức năng phát hiện 3 đối tượng phá rừng tại tiểu khu 238 do UBND xã Ea Bung quản lý, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 18,93 ha. 

Một khoảnh rừng ở xã Cư M'lan, huyện Ea Súp bị người dân đốt để lấn chiếm đất.
Một khoảnh rừng ở xã Cư M'lan, huyện Ea Súp bị người dân đốt để lấn chiếm đất.

Riêng trên địa bàn xã Cư M’lan, thống kê mới đây cho thấy hiện đang có 163 hộ dân di cư tự do với 997 nhân khẩu cư trú, canh tác trái phép trên một số diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý. Theo ông Phạm Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’lan thì khi di cư và tìm được chỗ ở trong rừng, những người dân này lại tiếp tục gọi thêm bà con thân thuộc vào nên số lượng ngày một tăng lên, áp lực đối với công tác quản lý bảo vệ rừng ngày một lớn.

 
“Để phá rừng, lấn chiếm đất rừng, người dân thường tập trung đông người, có cả phụ nữ, trẻ em và thường phá rừng vào ban đêm. Nếu bị phát hiện thì sẵn sàng chống đối khi lực lượng chức năng lập biên bản, tịch thu phương tiện”. 
 
Ông Võ Văn Hảo, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk Hảo

Ông Võ Văn Hảo, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk cho biết, năm 2016 Công ty được thành lập và tiếp nhận, quản lý 27.666,1 ha rừng, đất lâm nghiệp của 2 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh và Rừng Xanh. Tuy nhiên, trên thực tế thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm trước đó lên đến hơn 11,9 nghìn ha. Trong lâm phần quản lý của công ty có đến 2.000 chòi lán người dân dựng lên ở giữa rừng để ở. Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, Công ty đã huy động tối đa lực lượng để tuần tra nhưng tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra phức tạp.

Ông Trương Văn Dự, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến an ninh rừng ở địa phương là việc gia tăng dân số trong những năm gần đây, chủ yếu là tăng cơ học do dân di cư tự do quá lớn. Tính đến cuối tháng 5-2018, toàn huyện có 958 hộ với 4.657 khẩu chưa được bố trí sắp xếp, kéo theo nhu cầu về sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, gỗ, củi tăng cao. Chính những áp lực đó đã dẫn đến tình trạng  phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép để giải quyết các nhu cầu về đất…

Hiện trường vụ phá rừng được phát hiện vào ngày  14-5-2018 tại  tiểu khu 238 do UBND xã Ea Bung quản lý.
Hiện trường vụ phá rừng được phát hiện vào ngày 14-5-2018 tại tiểu khu 238 do UBND xã Ea Bung quản lý.

Được biết thời gian qua, huyện Ea Súp đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét các tụ điểm, điểm “nóng” phá rừng… Huyện cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành và 2 tổ kiểm tra, kiểm soát lâm sản liên ngành để tổ chức tuần tra, kiểm soát lâm sản, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, cất giữ, chế biến, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, đặc biệt tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các xã Cư M’lan, Ea Bung và Ea Rốk. Tuy nhiên theo ông Trương Văn Dự, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương thì công tác quản lý bảo vệ rừng ở Ea Súp đang rất cần sự “tiếp sức” của cấp trên, mà cụ thể là việc triển khai các dự án ổn định dân di cư tự do. Cùng với đó là cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các chủ dự án đầu tư trên đất lâm nghiệp có quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên không được phép chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư; hỗ trợ kinh phí cho các xã được giao quản lý, bảo vệ rừng…

      Vạn Tiếp 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.