Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: "Tiếp sức" xây dựng nông thôn mới

07:54, 25/12/2018

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhận rõ vai trò và tác động tích cực của đào tạo nghề tới sự phát triển nền kinh tế xã hội nông thôn, thời gian qua các ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều lớp đào tạo với đa dạng hóa các ngành nghề. Trong đó, các mô hình như: trồng và khai thác nấm, chăn nuôi heo, bò, gà, trồng và chăm sóc cây tiêu, xây dựng dân dụng, may công nghiệp… đã mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí về mức thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới.

Lao động trẻ tham gia học nghề pha chế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Damsan.
Lao động trẻ tham gia học nghề pha chế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Damsan.

Điển hình như mô hình trồng và khai thác nấm của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Krông Ana đã giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; đặc biệt là tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 95%. Không những thế, mô hình này đã được nhân rộng và phát huy lợi thế về nguồn lao động, nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Được biết, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng nấm bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Hay như ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cư M’gar có mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu thu hút đông đảo người dân tham gia học nghề. Với mô hình này kinh phí đầu tư trồng tiêu không lớn, dễ chăm sóc, áp dụng quản lý tại hộ gia đình vì đối tượng tham gia học nghề là nông dân. Theo số liệu thống kê của Trung tâm, hơn 90% lao động sau khi học nghề có việc làm và mức thu nhập bình quân của người trồng tiêu khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.

 

 “Thời gian tới, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ tập trung tổ chức đào tạo các lớp nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo thương hiệu, sản phẩm đặc thù riêng cho từng vùng. Song song đó, chú trọng các ngành nghề kỹ thuật, dịch vụ nhu cầu xã hội cao, đón đầu việc cung ứng nhân lực cho ngành nghề nông nghiệp sạch”.

 
 
Bà Phạm Thị Loan,Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)

Cùng với các nghề nông nghiệp, thời gian qua, nhiều mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng được chú trọng triển khai thực hiện, góp phần thay đổi cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất tại địa phương như nghề xây dựng, may công nghiệp, sửa chữa máy nổ ở các huyện Krông Ana, Cư M'gar, Krông Pắc, Krông Bông và TP. Buôn Ma Thuột… Điều đáng nói là các lớp dạy nghề phi nông nghiệp được chú trọng đào tạo hiện nay đều dựa trên nhu cầu thị trường nên hầu hết lao động sau khi học nghề đều có việc làm với nguồn thu nhập ổn định và lâu dài.

Bà Phạm Thị Loan, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Cùng với những chuyển biến trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các mục tiêu về dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và đang dần tiến tới việc xã hội hóa, gắn kết nhu cầu các bên. Hơn thế nữa, các mô hình dạy nghề đã góp phần giúp lao động nông thôn định hướng được nghề nghiệp của họ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và được nhân rộng, áp dụng phổ biến ở nhiều địa phương khác.

Một hiệu quả lớn của quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay nữa là những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức đối với chính quyền các cấp và nhận thức của người dân về đào tạo nghề và học nghề. Lao động sau khi học nghề đã vận dụng các kiến thức được học vào sản xuất nông nghiệp, một số mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình cũng như nhiều lao động khác.

Người dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) phát triển kinh tế từ mô hình trồng nấm.
Người dân thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) phát triển kinh tế từ mô hình trồng nấm.

Có thể nói, công tác dạy nghề thời gian qua không chỉ nhằm mục đích tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo mà đây cũng là nhiệm vụ quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng thực hiện dạy nghề gắn với phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh của từng vùng. Qua các hình thức đào tạo đã giúp người nông dân nâng cao thu nhập từ chính công sức của mình cũng như ruộng vườn, chuồng trại của gia đình.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.