Multimedia Đọc Báo in

Cam kết giữ giá dịp Tết

09:17, 04/01/2019

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán; trên thị trường, hàng Tết đã được bày bán. Công tác quản lý hàng hóa cũng đang được nỗ lực triển khai để bảo vệ người tiêu dùng mua sắm dịp này.

Chuẩn bị nguồn hàng chu đáo

Tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột, hàng tết đã được bày trí trên các kệ hàng. Để khuyến khích sức mua và kéo giãn tình trạng quá tải mua sắm của người dân, tránh ồ ạt vào giờ cao điểm, các chương trình ưu đãi đang được siêu thị triển khai liên tục từ nay đến cận Tết Nguyên đán với mức giảm từ 20 - 49%. Nguồn hàng được siêu thị lên kế hoạch dự trữ chu đáo, với số lượng lớn, sẵn sàng phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Theo đó, siêu thị dành 70 tỷ đồng để dự trữ hàng Tết bằng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị. Bắt đầu từ 1-1-2019 đến hết 15-3-2019, siêu thị thực hiện bình ổn giá (bằng hoặc thấp hơn giá thị trường) tập trung vào 8 mặt hàng gồm: gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, sữa bột trẻ em, thịt heo, thịt gia cầm, rau củ quả. Do đó về giá cả, theo đại diện siêu thị, hiện vẫn giữ ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu còn có giá thấp hơn thị trường.

Người tiêu dùng sắm Tết tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng sắm Tết tại siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột.

Dịp Tết này, siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột cũng dành 40 tỷ đồng chuẩn bị hàng nghìn mặt hàng với bao bì xuân nhằm bảo đảm phục vụ trong giai đoạn cao điểm; đồng thời đa dạng hóa các mặt hàng Việt với nhiều chủng loại, trong đó ưu tiên các loại đặc sản địa phương. Siêu thị này cho biết sẽ cam kết không tăng giá nhiều mặt hàng thiết yếu, thậm chí, còn giảm sâu đối với một số mặt hàng và tăng thời gian mở cửa phục vụ khách trong giai đoạn cận Tết.

 
"Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các bến, bãi, kho chứa lớn để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm… tuồn ra thị trường, nhằm bảo vệ người tiêu dùng sắm Tết".
 
Ông Giao Thanh Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

Còn tại kênh phân phối truyền thống như các chợ nội thành Buôn Ma Thuột, hàng Tết cũng đã được tiểu thương tất bật bày bán. Đón khách sớm nhất vẫn là ngành hàng may mặc và gia dụng.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ quầy quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, sau dịp lễ Noel, người dân đã bắt đầu đi sắm Tết, sức mua đang có dấu hiệu cải thiện. Cũng như mọi năm, hàng may mặc có giá bình dân từ vài chục nghìn đến khoảng vài trăm nghìn đồng vẫn được ưa chuộng và có xu hướng “ăn khách" hơn.

Đối với các mặt hàng gia dụng: chén, bát, nồi, đồ trang trí cũng đang có sức mua cao. Nhiều tiểu thương cho hay, buôn bán trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, hàng ở chợ cũng không còn “nói thách” như trước mà nói đúng giá, rõ ràng về nguồn gốc để giữ chân khách hàng. Còn đối với thực phẩm, bánh kẹo - mặt hàng dự đoán có nhu cầu tiêu thụ cao dịp Tết cũng đã lên kệ, tuy chưa nhiều.

Theo chị Phan Kim Hoa, chủ quầy kinh doanh tạp hóa tại chợ Tân An thì loại hàng này năm nay được nhà sản xuất chú ý cải tiến bao bì bắt mắt và cũng có thêm nhiều hương vị để người tiêu dùng lựa chọn. Mấy năm gần đây, người dân có xu hướng mua sắm thực phẩm muộn hơn, khoảng rằm tháng Chạp trở đi sức mua mặt hàng này mới tăng cao.

Vào cuộc quản lý hàng hóa

Theo dự báo của Sở Công thương, nhu cầu tiêu dùng trong 1 tháng của tỉnh khoảng 18 nghìn tấn gạo, 720 tấn đường, 3.600 tấn thịt heo, 1.440 tấn thịt gà, 2.700 tấn rau củ, 1.260 tấn thủy hải sản... Trong tháng Tết, nhu cầu trên sẽ tăng khoảng 20%. Trong khi đó, mức dự trữ của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Co.opMart Buôn Ma Thuột, Vinmart Buôn Ma Thuột, MM Mega Market Buôn Ma Thuột, Trung tâm thương mại Ea Kar khoảng trên 224 tỷ đồng, đáp ứng 15% so với nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trong 1 tháng. Ngoài ra, còn có một lượng lớn hàng dự trữ tại các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, do đó, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Khách chọn mua quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu trên thị trường, từ 1-12-2018 đến hết 15-3-2019, tỉnh cũng thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu dịp Tết. Theo đó, tập trung bình ổn thị trường  đối với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, có nhu cầu sử dụng lớn trong dịp này như gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá chuẩn bị nguồn hàng chu đáo để cung ứng cho thị trường với giá cả ổn định, bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tham gia bình ổn bằng nguồn vốn của đơn vị, vốn vay ưu đãi sản xuất kinh doanh từ các ngân hàng thương mại.

Sở Công thương cho biết, từ nay đến Tết, Sở tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả dịp cuối năm, kiểm tra tình hình chuẩn bị hàng hóa, giá cả các mặt hàng bán ra tại các chợ, siêu thị, đầu mối phân phối hàng hóa... nhằm kiểm soát giá cả, nguồn cung, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, cố tình đẩy giá lên cao. Sở cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo đảm hàng hóa, bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán tại các đơn vị.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.