Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk Điểm đến của các nhà đầu tư

14:04, 03/03/2019

Có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, thuận lợi trong việc giao thương kinh tế và văn hóa trong vùng cũng như với các tỉnh lân cận và TP. HCM cùng với tiềm năng phong phú về nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa, năng lượng tái tạo…, Đắk Lắk đang nỗ lực  trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Tiềm năng phong phú

Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước với gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đa số là đất bazan màu mỡ, phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong đó, bình quân mỗi năm cà phê cho sản lượng khoảng 400.000 tấn; cao su 30.000 tấn/năm; hồ tiêu 25.000 tấn/năm… Nổi bật nhất là cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài các sản phẩm trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về ngô lai (670.000 tấn/năm), mật ong (4,5 triệu lít/năm), sắn (590.000 tấn/năm). Chính vì vậy nông nghiệp là một trong những lĩnh vực tỉnh đang chú trọng thu hút đầu tư phát triển theo hướng công nghệ cao, hữu cơ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để khai thác tối đa hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân.

Thi công trụ móng Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea Hleo.  Ảnh: M. Thông
Thi công trụ móng Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Đliê Yang, huyện Ea Hleo. Ảnh: M. Thông

Là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, Đắk Lắk không chỉ có hồ rộng, thác cao mà còn là vùng văn hóa phong phú, đa dạng, nhất là về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Chính điều đó đã tạo cho mảnh đất này sức hấp dẫn kỳ lạ. Thương hiệu du lịch địa phương đã được định vị bằng những địa danh, thắng cảnh như: Hồ Lắk, Thác Đray Nur, Khu du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch văn hóa cộng đồng Kotam... Đặc biệt, Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, thu hút hàng chục nghìn du khách trong mỗi kỳ tổ chức.

Chính vì vậy, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước theo quy hoạch, xây dựng của Chương trình Phát triển Du lịch quốc gia vào năm 2020; trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập xã hội và tích lũy cho ngân sách địa phương.

Trang trại dưa lưới giống Saito (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền.
Trang trại dưa lưới giống Saito (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền.

Bên cạnh du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, Đắk Lắk còn có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời cao tập trung ở hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn với tổng bức xạ năng lượng mặt trời dao động từ 4,3 - 5,7 triệu kwh/m2, số giờ nắng cao đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm; điện gió có tổng công suất quy hoạch là 1.452 MW, tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ). Điều đó được minh chứng bằng một loạt các dự án về điện mặt trời và điện gió được triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian qua. Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 dự án điện mặt trời lập dự án và xin chủ trương đầu tư, trong đó 5 dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk, với tổng công suất 210 MWp. Trong số này, Dự án điện mặt trời Sêrêpôk 1 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã chính thức đi vào vận hành phát điện, với sản lượng 73 triệu kWh/năm. Dự kiến, trong năm 2019 sẽ có thêm 5 dự án đi vào hoạt động từ 50 đến 100% công suất.

 
"Là một trong những sự kiện quan trọng của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 - năm 2019, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đắk Lắk sẽ được tổ chức vào ngày 10-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với quy mô khoảng 400 đại biểu, Hội nghị tập trung kêu gọi đầu tư ở 5 lĩnh vực tiềm năng thế mạnh của tỉnh gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, trồng rừng; công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; công nghệ chế biến gỗ; năng lượng tái tạo; hạ tầng đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp".
 
Ông Huỳnh Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Về điện gió, Trang trại phong điện đầu tiên của Tây Nguyên tại xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) do Công ty Cổ phần giải pháp năng lượng gió HBRE làm chủ đầu tư, với tổng công suất 436 MW, vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, dự kiến cũng đi vào hoạt động tháng 6-2019.  Bên cạnh đó, trong năm 2019, sẽ có 4 dự án điện gió khác, tổng công suất khoảng 400 MW dự kiến khởi công. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho 9 nhà đầu tư đến khảo sát, lập dự án với tổng công suất hơn 1.300 MW… Tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Đắk Lắk sẽ là một trong những lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư, hiện tại tỉnh Đắk Lắk có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động và đầu tư hạ tầng; 1 khu công nghiệp đang chuẩn bị đầu tư, bảo đảm cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư. Đối với chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh Đắk Lắk thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, trong đó: thị xã Buôn Hồ và các huyện thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; TP. Buôn Ma Thuột thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Cho nên, đối với tiền thuê đất, mặt nước đều được miễn từ 7 đến 15 năm tùy thuộc vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư hay không ưu đãi đầu tư. Miễn từ 50% - 100% đối với tiền thuê đất các dự án khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tùy thuộc vào từng loại dự án. Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 4 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đối với địa bàn các huyện và thị xã Buôn Hồ; miễn 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các dự án thuộc địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Riêng đối với lĩnh vực xã hội hóa, các dự án ở các phường của TP. Buôn Ma Thuột được miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê trong thời gian còn lại; các dự án ở các xã thuộc thành phố được miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê trong thời gian còn lại; các dự án ở các huyện và thị xã thì được miễn 100% tiền thuê đất. Trong thời gian triển khai thực hiện, dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật tư, phương tiện vận tải và hàng hóa.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi, những năm qua chính quyền địa phương luôn nỗ lực tạo hành lang pháp lý và môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư, đồng thời nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính để tạo bước đột phá trong cung ứng dịch vụ công và thu hút đầu tư. Cải cách hành chính cũng là một trong 4 nhóm giải pháp đột phá phát triển mà lãnh đạo tỉnh đặt ra trong năm 2019 nhằm tạo môi trường tốt nhất cho nhà đầu tư.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.