Multimedia Đọc Báo in

Kết quả khả quan từ tái canh cà phê ở Cư M'gar

09:53, 06/06/2019

Sự hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật khiến bà con nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar quan tâm hơn đến việc tái canh cây cà phê. Những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp đang dần được thay thế bằng những giống mới, chất lượng cao.

Triển khai chương trình tái canh cà phê trên địa bàn, UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê các diện tích cần tái canh. Qua đó, hướng dẫn cho các hộ dân về thủ tục, quy trình đăng ký tái canh để được hỗ trợ giống, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng… Hơn 5 năm qua, UBND huyện đã hỗ trợ cho người dân gần 2,3 triệu cây giống cà phê các loại; tạo điều kiện cho các hộ dân và doanh nghiệp vay khoảng 55 tỷ đồng...

Anh Nguyễn Hạnh (bên phải) giới thiệu vườn cà phê tái canh cho cán bộ Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú.
Anh Nguyễn Hạnh (bên phải) giới thiệu vườn cà phê tái canh cho cán bộ Hội Nông dân thị trấn Quảng Phú.

Tính từ năm 2014 đến nay, bà con nông dân đã thực hiện tái canh khoảng 4.700 ha cà phê già cỗi, kém năng suất. Người dân đã chủ động loại bỏ những giống cây trồng không rõ nguồn gốc, năng suất, chất lượng kém, thay bằng những loại giống có hiệu quả kinh tế cao như: TR4, TR9, TRS1, Xanh Lùn…; chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết: “Việc tái canh cà phê trên địa bàn huyện bắt đầu từ năm 2012 nhưng phát triển mạnh nhất là từ năm 2014 đến năm 2016. Trong số diện tích cà phê tái canh, hiện có khoảng 1.700 ha đã bước vào giai đoạn kinh doanh. Chất lượng giống đảm bảo, cộng với được đầu tư, chăm sóc kỹ nên nhiều vườn cây cho năng suất rất cao, đặc biệt tại xã Quảng Tiến nhiều vườn cho thu bói đã đạt 3 tấn nhân/ha (tương đương 10 – 12 tấn tươi/ha); khi bước vào giai đoạn kinh doanh chính có thể lên đến 5 tấn nhân/ha, cao hơn nhiều so với trước đây”.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Hạnh (ở tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú) có 6,5 sào cà phê trồng từ năm 1994 do đã già cỗi, đất lại bạc màu nên mỗi năm chỉ thu được 1,5 tấn cà phê nhân. Năm 2016, được UBND huyện hỗ trợ cây giống từ chương trình tái canh cà phê, anh Hạnh đã mạnh dạn chặt bỏ và tiến hành tái canh toàn bộ diện tích cũ, thay bằng với giống TR4 - giống có năng suất cao, chống chịu các loại sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng. Nhờ tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, chỉ sau 3 năm cà phê đã cho những quả bói đầu tiên, với nhiều ưu điểm vượt trội như: quả to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh, năm ngoái sản lượng cà phê của gia đình thu bói đạt hơn 6 tạ nhân…

Anh Hạnh hồ hởi: “Vườn cà phê của gia đình tôi phát triển tốt lắm, chùm trái tròn, sai quả... Năm nay, dự kiến đạt được 2 tấn nhân, những năm sau sẽ cao hơn nữa”. Thấy hiệu quả từ việc tái canh cà phê đem lại, ông Trần Mậu Tuất - ở thôn 9 (xã Ea Kiết) cũng đã mạnh dạn thực hiện tái canh 1,7 ha cà phê trồng từ năm 1995 bằng phương pháp ghép chồi. Chỉ sau 2 năm tái canh, 1.700 gốc cà phê của gia đình đã bắt đầu cho thu bói, năng suất bình quân đạt hơn 5 tấn/ha. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc…, lợi nhuận thu được đạt gần 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hạnh trong vườn cà phê tái canh của gia đình.
Anh Nguyễn Hạnh trong vườn cà phê tái canh của gia đình.

Có thể nói, việc tái canh cà phê không chỉ cải thiện thu nhập cho các nông hộ mà còn góp phần duy trì diện tích, ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng cà phê ở huyện Cư M’gar. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân vẫn thực hiện tái canh theo kinh nghiệm, chưa áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nên sản lượng nhiều vườn cây chưa cao, thường xuất hiện các loại sâu bệnh hại. Bởi vậy, địa phương và ngành nông nghiệp huyện cần tăng cường vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Nhiều vườn cà phê tái canh ở Cư M’gar đã bắt đầu bước sang năm thứ ba, thứ tư, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định, với năng suất vượt trội; đặc biệt có những vườn cà phê năng suất tăng gấp 2 - 3 lần so với khi chưa tái canh,…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc