Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công

10:41, 31/12/2020

Được thành lập từ năm 1995 với 4 thành viên là Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, đến nay Ủy hội sông Mê Công (MRC) đã đạt được nhiều kết quả trong việc hợp tác phát triển bền vững sông Mê Công như hiệp định các bên đã ký kết.

Ý nghĩa thiết thực

Các bên đã nỗ lực nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên và phúc lợi của người dân trong lưu vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên và mở rộng hợp tác với hai nước vùng thượng lưu sông cũng như nhiều đối tác quốc tế khác.

a
Một nhánh sông Sê San nằm trong lưu vực sông Mê Công

Hoạt động trong bối cảnh lưu vực sông Mê Công đang đứng trước những thách thức to lớn như tình hình hạn hán nghiêm trọng, mối quan ngại ngày càng tăng trong lưu vực về tác động của các công trình thủy điện dòng chính từ các nước vùng thượng lưu, hậu quả biến đổi khí hậu… MRC đặt ra yêu cầu bức thiết về tăng cường hợp tác sử dụng, phát triển bền vững và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên khác trong lưu vực sông Mê Công. Các nước nhất trí cần phải tăng cường các nỗ lực điều phối trong lưu vực để giúp các quốc gia ven sông chuẩn bị chiến lược và kế hoạch ứng phó với biến đổi khi hậu.

Trong các khuôn khổ hợp tác về lưu vực sông Mê Công có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông cũng như thúc đẩy các dự án phát triển chung. Với ý nghĩa thiết thực đó, hoạt động của MRC nhận được sự tài trợ mạnh mẽ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, tập trung cho các hoạt động như: Giám sát và báo cáo về thực trạng môi trường của hệ thống sông để cải thiện công tác quản lý dòng chảy và bảo vệ sự cân bằng sinh thái ở lưu vực; hỗ trợ quản lý, xây dựng và phát triển các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ở cấp địa phương và cấp vùng; thúc đẩy phát triển giao thông và giao thương đường thủy an toàn; hỗ trợ cộng đồng phát triển kỹ thuật thủy lợi và nông nghiệp; cung cấp các hướng dẫn và hỗ trợ đối thoại về phát triển thủy điện bền vững để đảm bảo quyền lợi chung của các quốc gia thành viên; giúp các quốc gia thành viên thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, đối thoại và thương lượng về quản lý tài nguyên nước giữa các chính phủ, khu vực tư nhân...

Hướng tới phát triển bền vững

Mặc dù có những cơ hội tốt đối với phát triển, nhưng các nước trong khu vực cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Là một lưu vực sông liên quốc gia, bất cứ một sự phát triển nào, đặc biệt phát triển thủy điện, khai thác sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sẽ gây tác động lớn đến hạ lưu. Các nước trong khu vực cần phải xem xét, đồng thuận, cùng nhau giải quyết những thách thức này. Chính phủ các nước đối tác cần hợp tác với tinh thần đôi bên đều có lợi.

Lưu vực Mê Công có ý nghĩa chiến lược trong hợp tác quốc tế đối với các nhà đầu tư và chính phủ các nước trên thế giới. Quan hệ hợp tác quốc tế mang lại những cơ hội phát triển kinh tế xã hội đối với các nước trong khu vực và mang lại những lợi ích cả về kinh tế, chính trị đối với các đối tác quốc tế. Việc tài trợ quốc tế thời gian qua tập trung chủ yếu vào những nghiên cứu kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần chú trọng hơn đến việc phát triển khai thác và quản lý nguồn nước Mê Công theo hướng quản lý nước thông minh trong bối cảnh thời đại 4.0 .

a
Giao thông đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong những năm tới, kế hoạch chiến lược của MRC tập trung vào việc tối ưu hóa công tác quản lý môi trường và phát triển tài nguyên nước bền vững của các cơ quan quy hoạch ngành cấp quốc gia vì lợi ích của toàn lưu vực; hướng dẫn xây dựng và quản lý các dự án sử dụng nước và các dự án liên quan đến nước, chia sẻ và sử dụng tài nguyên của các cơ quan quy hoạch và thực thi ở cấp quốc gia; đối thoại và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên và kết hợp các đối tác khu vực và các bên liên quan tham gia quản lý nước xuyên biên giới một cách chiến lược; tăng cường công tác giám sát, dự báo và đánh giá tác động toàn lưu vực cũng như phổ biến các kết quả nghiên cứu trợ giúp quá trình ra quyết định của các quốc gia thành viên.

Thông qua hoạt động của MRC sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của khu vực, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Hoa Hồng (Tổng hợp)

 

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.