Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Cư M'gar - Những lợi thế và tiềm năng

07:20, 29/01/2020

Huyện Cư M’gar có nhiều thắng cảnh cùng nét văn hóa phong phú, độc đáo của các dân tộc đang sinh sống đã khiến nơi đây hứa hẹn trở thành điểm đến thú vị trong hành trình khám phá của du khách.

Huyện Cư M’gar có lợi thế vị trí địa lý cách không quá xa TP. Buôn Ma Thuột (hơn 15 km) nên dễ dàng kết nối với các điểm đến quan trọng của tỉnh, mở ra nhiều kỳ vọng để phát triển du lịch.

Nơi đây có hệ thống suối và đồi núi tương đối nhiều nằm rải rác như đồi Cư H’lâm, Cư Suê, Cư M’gar, Cư Keh, Cư Sar, suối Ea Tul và Ea M’droh. Hiện huyện có 3 di tích danh lam thắng cảnh được xếp hạng gồm: rừng nguyên sinh Cư H’lâm, thác Drai Dlông (thuộc địa phận của xã Ea M’droh và Quảng Hiệp), thác Drai Yông (xã Ea Mnang). Huyện còn có di tích lịch sử, văn hóa, các điểm sinh hoạt văn hóa dân gian, như: dấu chân của Đam San trên tảng đá tại bến nước buôn Sah (xã Ea Tul), hồ Ea Yoong, núi lửa Cư M’gar (nằm ngay trung tâm thị trấn Quảng Phú)…

Các thiếu nữ bên Thác Drai Yông  ở huyện Cư M’gar.
Các thiếu nữ bên Thác Drai Yông ở huyện Cư M’gar.

Ngoài ra, Cư M’gar còn là vùng đất bazan với những sản vật có giá trị cao về kinh tế như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ…, là địa phương đầu tiên của tỉnh có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là những điểm đến để trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp quy mô lớn.

Về với Cư M’gar cũng là về với nét văn hóa độc đáo của cộng đồng 25 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn, với những phong tục tập quán, lễ hội đa sắc màu, nổi bật là các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc như: hát K’ưt, Ay ray, hòa tấu nhạc cụ, múa mời rượu, múa khiên…  Bên cạnh đó, du khách còn được tận mắt tìm hiểu các quy trình dệt thổ cẩm ở xã Ea Tul, Ea Kuêh; khám phá, thưởng thức ẩm thực của đồng bào Êđê, Tày, Nùng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, sự phát triển du lịch của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng với yêu cầu. Chính quyền nơi đây đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch với hứa hẹn Cư M’gar sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa. Đề án phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, huyện tập trung từng bước kiện toàn cơ sở vật chất, chú trọng tạo ra sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch… Trong đó, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.

Trình diễn văn nghệ trong Lễ hội ẩm thực của đồng bào Êđê tại xã Ea Tul,  huyện Cư M’gar.
Trình diễn văn nghệ trong Lễ hội ẩm thực của đồng bào Êđê tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, huyện xác định thương mại, dịch vụ và du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế trọng tâm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây cũng là giải pháp để đáp ứng nhu cầu khi các dự án lớn về công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, các khu đô thị, nghỉ dưỡng cao cấp… đang được các nhà đầu tư triển khai trên địa bàn huyện.

Duy Khôi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.