Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương khống chế dịch tả heo châu Phi tái phát ở huyện Cư M'gar

20:52, 29/08/2020

Trong lúc các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cư M'gar đang đẩy mạnh tái đàn thì tháng 8-2020, dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại khiến người chăn nuôi lo lắng. Trước thực trạng này, huyện Cư M’gar đang khẩn trương ngăn chặn, không để dịch lây lan trên diện rộng nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn  nuôi.

Cuối tháng tư vừa qua, huyện Cư M’gar chính thức công bố hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn và tập trung khôi phục sản xuất. Sau gần 4 tháng “sạch dịch” thì mới đây, dịch tả heo châu Phi đã quay trở lại, xâm nhập và phát sinh tại một số xã trong huyện. Đầu tiên, vào ngày 17-8, dịch khởi phát trên đàn heo lai rừng 4 con của một hộ dân ở tại xã Ea Tar. Mấy ngày sau đó, ngày 23-8, tại xã Quảng Tiến và Ea M’nang cũng xác định tái phát dịch với số lượng hàng trăm ki-lo-gam heo nhiễm vi rút tả heo châu Phi phải tiêu hủy. Bà Phạm Thị Liên (thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến) buồn rầu cho hay, dịch tạm lắng, chính quyền công bố hết dịch, gia đình bà cũng gom góp được chút vốn để tích cực khôi phục đàn, phát triển sản xuất mong kiếm được chút thu nhập bù lại cho những tháng bỏ trống chuồng trước đó. Nào ngờ, bà mua phải heo nhiễm bệnh về nuôi, mới thả chuồng được vài ngày thì heo chết, bao nhiêu vốn đổ vào coi như mất trắng. Trước đó, ngày 19-8, bà Liên có mua hai con heo giống và hai con heo nái nặng gần 3 tạ của một người dân trên địa bàn huyện, với số tiền hơn 20 triệu đồng về để tái đàn. Thế nhưng, chỉ qua ngày hôm sau, toàn bộ số heo mới mua có hiện tượng sốt, bỏ ăn… gia đình bà đã báo ngay cho Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Cư M’gar. Nhận được tin báo, Trạm đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, bốn con heo của gia đình bà Liên đều dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi. Không để dịch bệnh lây lan, chính quyền huyện Cư M’gar đã tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh của gia đình bà Liên, đồng thời vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực xung quanh nhằm tránh lây lan trên diện rộng.

 

Bà Phạm Thị Liên chủ động rắc vôi khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi vừa xảy ra dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Đ. Lan
Bà Phạm Thị Liên chủ động rắc vôi khử trùng xung quanh khu vực chuồng nuôi vừa xảy ra dịch tả heo châu Phi. 

Theo báo cáo nhanh của Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, tính đến hiện tại, dịch tả heo châu Phi đã tái phát tại 5 hộ của 3 xã trong huyện gồm: Ea Tar, Quảng Tiến và Ea M’nang với 15 con heo mắc bệnh, tổng trọng lượng phải tiêu hủy hơn 1.375 kg. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, nguyên nhân dịch tả heo châu Phi tái phát trên địa bàn là do một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang đẩy mạnh tái đàn mà con giống lại chủ yếu được mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái không rõ nguồn gốc. Các ổ dịch vừa tái phát hầu hết xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm điều kiện và không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar nhận định, ngoài những nguyên nhân trên thì tại địa bàn giáp ranh xã Ea M’nang của huyện Cư M’gar với xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) thường diễn ra việc vận chuyển heo từ huyện Cư M’gar về cung ứng cho điểm giết mổ tập trung ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn). Trong khi đó, các phương tiện vận chuyển qua lại không được phun độc khử trùng thường xuyên, đây cũng có thể là nguồn lây dịch trong thời gian vừa qua.

 

Tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi ở thị trấn Ea Pốk. Ảnh: Đ. Lan   
Tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng tại một hộ chăn nuôi ở thị trấn Ea Pốk. 

 

Các ổ dịch vừa phát hiện nhanh chóng được khống chế, nhưng nguy cơ lây lan vẫn rất cao. Bởi giá heo vẫn đang ở mức cao, việc mua bán, trao đổi, vận chuyển động vật liên huyện cũng nhiều và khó kiểm soát hơn. Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi đã mạnh dạn tái đàn, xu hướng mua con giống trôi nổi trên thị trường cũng tăng cao, đây cũng là yếu tố khiến nguy cơ tái phát dịch cao nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, chính quyền địa phương, ngành chăn nuôi đang cấp bách thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ vật nuôi.

Theo ông Phạm Quang Mười, địa phương đang nỗ lực giám sát ngăn chặn, khống chế, không để phát sinh, lây lan dịch tả heo châu Phi trên diện rộng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo đó, địa phương đang chủ động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh và giám sát chặt các tuyến thường xuyên vận chuyển heo, thu mua heo, nhất là vùng uy hiếp của địa phương như xã Cư Suê, xã Ea H’đing, Quảng Hiệp, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk, là những tuyến liên thông với các xã vừa có heo mắc bệnh vừa qua. Huyện đã cấp, phát hóa chất và vôi bột để tiêu độc, khử trùng tại các thôn có dịch và khu vực tiêu hủy heo; ban hành quyết định công bố dịch bệnh trên địa bàn đối với các xã có dịch; thành lập các chốt kiểm dịch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, giết mổ heo và các sản phẩm từ heo, phương tiện ra vào địa bàn có dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch. Đặc biệt, khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng trong việc lựa chọn con giống, chỉ chọn mua và gây đàn những con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn dịch bệnh khi tái đàn. Đặc biệt, lực lượng chốt chặn tại cửa ngõ ra vào địa bàn giáp ranh xã Ea M’nang, nơi phát sinh ổ dịch, được cắt cử túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát, phun hóa chất khử trùng, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển heo chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Cùng với nỗ lực của cơ quan chuyên môn thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt, người dân phải nghiêm túc thực hiện các quy trình phòng, chống dịch; tuyệt đối không che giấu dịch.

Huyện Cư Mgar có gần 30.000 con heo, tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Tar, Ea M’droh, Ea M’nang, thị trấn Ea Pốk... Tính đến hiện tại, công tác tái đàn ở địa phương đã đạt khoảng 60% thì dịch tả heo châu Phi tái phát.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.