Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại năm 2020: Kết nối các sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng

06:33, 22/10/2020

Nằm trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2020, Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại ngoài việc mở ra nhiều cơ hội về hợp tác, quảng bá và thúc đẩy đầu ra cho nông sản thì đây cũng là dịp kết nối các sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.

Cơ hội xúc tiến thương mại

Đúng với tinh thần xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu thụ sản phẩm, Hội chợ triển lãm đã quy tụ nhiều sản phẩm là nông sản chủ lực, là thế mạnh địa phương đến từ 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, Hội chợ triển lãm lần này đã quảng bá, giới thiệu tiềm năng của kinh tế nông nghiệp với những sản phẩm chủ lực và các sản phẩm thương mại khác. Điều này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và người nông dân, nhất là của Đắk Lắk quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đây cũng là cầu nối quan trọng để kết nối cung - cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết giữa các vùng, miền trong cả nước, góp phần vực dậy và phát triển kinh tế nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19.

Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Cao Bằng (huyện Krông Pắc) trưng bày và giới thiệu sản phẩm rau bò khai đỏ.
Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Cao Bằng (huyện Krông Pắc) trưng bày và giới thiệu sản phẩm rau bò khai đỏ.

Xác định đây chính là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm uy tín và tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng mạng lưới kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Bảo, chủ cơ sở sản xuất rượu thanh long Bảo Long (Bình Thuận) chia sẻ, sản phẩm nước ép thanh long đỏ nguyên chất do cơ sở sản xuất đã tham gia rất nhiều hội chợ trên cả nước, có mặt tại các khu du lịch cao cấp của Bình Thuận, các chợ truyền thống và nhiều siêu thị… Lượng tiêu thụ đạt khá và được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Tham gia Hội chợ triển lãm này, có thể doanh nghiệp chưa thu được lợi nhuận kinh tế từ việc bán hàng, nhưng rõ ràng đây là cơ hội để sản phẩm an toàn, bổ dưỡng từ đặc sản thanh long Bình Thuận được người dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước biết đến hơn và tiếp sức cho sản phẩm tiến xa hơn sau dịch bệnh...

Tương tự, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Cao Bằng (huyện Krông Pắc) đem đến Hội chợ các sản phẩm rau bò khai đỏ và trà túi lọc làm từ rau bò khai để giới thiệu cho khách hàng tham quan và mua sắm. Theo ông Hoàng Văn Hiệu, Giám đốc HTX, rau bò khai ngoài làm thực phẩm, đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc còn sử dụng loại rau này như một vị thuốc quý từ nhiều đời nay. Hiện HTX có 6 ha, đầu năm 2020, sản phẩm rau bò khai của HTX đã được cấp Chứng nhận VietGAP. Do sản lượng chưa nhiều nên sản phẩm của HTX mới chủ yếu giới thiệu và cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Hy vọng qua Hội chợ lần này, sản phẩm của HTX sẽ được nhiều người biết đến và kết nối được với các đối tác để mở rộng sản xuất cũng như thị trường cung ứng sản phẩm.

Kết nối người tiêu dùng

Với người dân địa phương, hiếm có Hội chợ triển lãm nào mà hội tụ nhiều đặc sản vùng miền, là sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX có uy tín như lần này. Có thể kể đến các sản phẩm nông sản thế mạnh và hữu cơ của Đắk Lắk như: cà phê, mắc ca, hạt điều, sầu riêng của Krông Pắc; chuối Ea H’leo; gạo sạch, nấm sạch của huyện Krông Ana; trứng sạch, tiêu đỏ, chocolate của huyện Cư Kuin. Hay như tỉnh Nghệ An mang đến đặc sản giò bê; Khánh Hòa có các sản phẩm trầm hương, nước mắm truyền thống, thực phẩm chế biến đóng gói như cá cơm, khô mực, rong biển…

Đại diện Hội Nông dân huyện Cư Kuin giới thiệu sản phẩm tiêu đỏ cho khách tham quan.
Đại diện Hội Nông dân huyện Cư Kuin giới thiệu sản phẩm tiêu đỏ cho khách tham quan.

Điểm đáng ghi nhận nữa ở Hội chợ triển lãm lần này là đã thiết thực tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên cả nước. Vì vậy các gian hàng nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ, đề cao độ an toàn cho người tiêu dùng của nông dân các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk luôn thu hút sự chú ý của người đến tham quan hội chợ hơn cả. Chị Lê Thị Ngọc Hoa (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trong Hội chợ, chị chú ý nhiều đến sản phẩm nông nghiệp được canh tác theo hướng hữu cơ. Chị đã mua một số sản phẩm như gạo, rau, trái cây… về dùng và rất ưng ý. Chị mong muốn các cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm uy tín này làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để kết nối được với những người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, Hội chợ triển lãm còn là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân cùng gặp gỡ, trao đổi và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Theo ông Trương Quốc Huy, Phó Giám đốc marketing, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công ty cũng chú trọng tổ chức các hoạt động tư vấn, giải đáp thắc mắc của nông dân trong quá trình canh tác, sản xuất. Chính điều này đã mang đến cho người dân có thêm nhiều kiến thức để áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Ông Ngô Bá Thanh (nông dân xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) phấn khởi nói: “Khi tham quan Hội chợ, tôi đã được các chuyên gia tại gian hàng của Công ty Phân bón Bình Điền giải đáp, tư vấn cho cách phân biệt phân bón thật - giả, cách bón phân tiết kiệm nhất mà mang lại hiệu quả cao, cũng như khả năng nhận biết sớm và phòng các loại sâu bệnh trên cây cà phê… Những kiến thức này rất bổ ích cho bà con đang canh tác cà phê".

Ông Trương Xuân Quý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, đây là hoạt động xúc tiến thương mại không những hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn là dịp để ngành sản xuất nông nghiệp nói riêng và các ngành sản xuất khác phục hồi sau hai đợt dịch Covid-19. Ban tổ chức cũng vận động, khuyến khích các đơn vị tham gia hội chợ tổ chức những gian hàng ấn tượng để giới thiệu sản phẩm đến khách tham quan và mua sắm. Đồng thời, bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hội chợ Triển lãm nông nghiệp - thương mại được tổ chức từ ngày 16 đến hết ngày 21-10 với quy mô 350 gian hàng. Có 200 tổ chức hội nông dân các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã trong cả nước đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền về trưng bày, giới thiệu.

Thuận Nguyễn - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.