Multimedia Đọc Báo in

Tái canh cà phê ở huyện Cư M'gar: Những khó khăn cần tháo gỡ

06:22, 08/12/2020

Huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh với gần 37.800 ha, phần lớn được trồng vào những năm 1985 - 1995. Đến nay, cà phê già cỗi, đất canh tác thoái hóa khiến năng suất giảm, hiệu quả kinh tế thấp, cần được tái canh.

Giai đoạn 2010 - 2020, toàn huyện có hơn 16.000 ha cà phê cần được thanh lý chuyển đổi và tái canh; trong đó khoảng 4.700 ha cà phê cần chuyển đổi sang trồng nhóm cây khác do đất đai không phù hợp, độ dốc cao, thiếu nước tưới; đến nay đã tái canh được 5.700 ha (đạt 57% kế hoạch). Tuy nhiên, việc tái canh diễn ra chậm, chủ yếu mang tính tự phát. Khó khăn lớn nhất của nông dân khi tái canh cà phê là vốn đầu tư và bệnh vàng lá thối rễ sau khi tái canh chưa được khắc phục. "Do hạn chế về kỹ thuật canh tác, chăm sóc cà phê, quy trình thực hiện tái canh nên hiệu quả tái canh chưa cao. Tỷ lệ cây sống đạt yêu cầu sau khi tái canh chỉ đạt 65%. Phòng NN-PTNT huyện đã khuyến cáo bà con cần thực hiện đúng quy trình tái canh là: cải tạo đất để cân bằng hệ sinh thái, sử dụng phân hữu cơ, áp dụng đúng kỹ thuật tái canh", ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết.

Anh Nguyễn Văn Phụng (thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến) chăm sóc vườn cà phê tái canh của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Phụng (thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến) chăm sóc vườn cà phê tái canh của gia đình.

Theo tính toán, để tái canh 1 ha cà phê cần khoảng 150 - 250 triệu đồng. Đây là số vốn tương đối lớn đối với nông dân, chưa kể thời gian tái canh kéo dài hơn 3 năm thì cà phê mới cho thu hoạch. Trong khoảng thời gian này, nông dân mất nguồn thu nhập chính nên cuộc sống gặp khó khăn. Gia đình anh Nguyễn Văn Phụng (thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến) có 1,5 ha cà phê trồng từ năm 1986. Vườn cà phê già cỗi, năng suất giảm mạnh buộc gia đình anh phải tái canh. Năm 2013, anh Phụng vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tái canh để tái canh cà phê. Thời gian đầu chưa có nguồn thu nên anh phải vay thêm 50 triệu đồng để chăm sóc vườn cây và trang trải sinh hoạt của gia đình. Đến nay, cà phê trồng mới đã cho năng suất khá, nhưng giá cà phê xuống thấp khiến anh không khỏi lo lắng. "Từ khi phá bỏ vườn cà phê cũ, nguồn thu đã không có mà còn tốn tiền chăm sóc vườn cây mới, tiền trả lãi vay, tiền sinh hoạt khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn. Cứ đà này, khoản nợ tái canh khó trả nổi”, anh Phụng ưu tư.

 
“Rõ ràng, bố trí kinh phí theo hướng sản xuất bền vững là mục tiêu của các nhà quản lý và cũng là mong muốn của nông dân. Tuy nhiên, ngành chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để nông dân tiếp cận nguồn vốn tái canh dễ dàng hơn".
 
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho tái canh cà phê nông dân khó tiếp cận. Vợ chồng chị H’Chiu Ktla (ở xã Cư Suê) có hơn 3 sào cà phê già cỗi. Mấy năm trước, chị H’Chiu đăng ký tham gia chương trình tái canh cà phê, nhưng do vườn cây không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không tham gia được. Đến khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trong vườn đã trồng xen canh bơ, sầu riêng nên không được vay vốn ưu đãi. Năm 2019, vợ chồng chị thế chấp tài sản để vay ngân hàng 40 triệu đồng tái canh cà phê. Nhưng do kinh phí đầu tư hạn hẹp, việc chăm sóc, bón phân cho cây hạn chế, lại xử lý đất không bảo đảm khiến cây bị bệnh thối rễ, tỷ lệ sống thấp. Gia đình chị hầu như không có nguồn thu, hằng tháng lại phải trả lãi vay ngân hàng.

Đến nay, nguồn vốn vay cho chương trình tái canh cà phê trên địa bàn huyện Cư M’gar là 55 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê vay 52 tỷ, còn nông dân chỉ mới tiếp cận được 3 tỷ. Qua tìm hiểu, nông dân rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, do thủ tục vay vốn rườm rà, vốn vay cấp thành nhiều đợt, phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến từng công việc trong mỗi giai đoạn thực hiện trồng tái canh. Ngoài ra, các nông hộ vay vốn còn phải có giấy xác nhận đủ điều kiện trồng tái canh, diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch được tỉnh phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh do Bộ NN-PTNT ban hành, không trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê trồng tái canh và buộc các nông hộ phải thế chấp tài sản bảo đảm là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Ông Phạm Quang Mười cho hay, khó khăn trong vay vốn tái canh là chia thành nhiều lần nhận tiền và các ngân hàng thương mại “ngại” tham gia gói vay hỗ trợ vì phải làm theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, cả ngân hàng thương mại lẫn người dân đều chỉ quan tâm nguồn vay kinh doanh có thế chấp. Mặt khác, nguồn vốn tái canh giải ngân theo chu kỳ cây trồng rất nhỏ lẻ. Bình quân mỗi héc-ta cà phê được vay 150 triệu đồng, nhưng chia thành 3 - 4 lần vay, trong khi đó nhu cầu vốn của nông dân lại rất lớn vì vừa đầu tư tái canh vừa phải chi tiêu. Do đó, để chương trình tái canh cà phê hiệu quả, Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giảm bớt gánh nặng cho nông dân trong khoảng thời gian tái canh đến khi cây cho thu hoạch. Ngoài ra, cũng cần bố trí kinh phí, chú trọng tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.