Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng nền kinh tế từ dịch vụ logistics

06:12, 24/02/2021

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Không ít thách thức

Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ…

Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong kinh doanh dịch vụ logistics  trên địa bàn tỉnh.
Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 DN trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới kinh doanh dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên theo Sở Công thương, số lượng DN hoạt động đầy đủ các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất hạn chế, có chăng là chỉ kinh doanh một phần của dịch vụ logistics.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành logistics nói chung, các DN logistics nói riêng của Việt Nam hiện còn phải đối diện với không ít thách thức, rào cản, trong đó phải kể đến thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ; hạ tầng giao thông vận tải còn yếu kém.

“Hiện nay, việc quy hoạch đất để xây dựng kho phục vụ cho dịch vụ logistics rất ít và chưa đồng bộ. Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần quy hoạch đất để xây dựng kho bãi đạt tiêu chuẩn phục vụ cho dịch vụ logistics”. 
Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước Phạm Đông Thanh

Thực tế cũng cho thấy, việc kết nối các phương thức vận tải của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng chưa hiệu quả, cũng chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực. Các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chiếm 25% GDP (so với các nước phát triển chỉ từ 9 -15%),  trong đó chi phí vận tải chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các DN Việt Nam, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, hoạt động của chính các DN logistics còn nhiều hạn chế cả về quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những DN nhỏ và vừa, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản, còn thiếu và yếu.

Thúc đẩy phát triển ngành logistics

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và những giải pháp, nhiệm vụ để đạt được kế hoạch đề ra. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2025 là phát triển dịch vụ logistics và quan tâm đầu tư nâng cấp kho, bãi hàng đủ tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ dùng chung cho tất cả các DN vận tải hàng hóa và khách hàng…

Là người đứng đầu DN hoạt động trong lĩnh vực này, ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước chia sẻ, trong chuỗi cung ứng của dịch vụ logistics thì kho bãi lưu giữ và phân phối hàng hóa là một khâu không thể thiếu.

Hệ thống kho bãi của Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước.
Hệ thống kho bãi của Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước.

Tuy nhiên, trước thực trạng kho bãi manh mún, tự phát, thiếu quy hoạch như hiện nay thì việc quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics đủ tiêu chuẩn để sử dụng chung cho khách hàng và các DN vận tải, DN logistics là một định hướng hết sức đúng đắn vì chi phí về logistics của Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, xây dựng được kho bãi đủ tiêu chuẩn sẽ thu hút các DN logistics đầu tư phương tiện bốc xếp hiện đại, chuyên sâu làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành chi phí xếp dỡ hàng hóa. Để giải bài toán hạ chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Công ty đã, đang và sẽ tập trung xây dựng các kho bãi đủ tiêu chuẩn, tiến hành mua sắm các loại máy móc thiết bị xếp dỡ chuyên dụng, hiện đại nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng.

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics theo đúng định hướng của tỉnh, đơn vị đang xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, sẽ tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh tuyên truyền cho các thành phần kinh tế để nắm bắt được định hướng cũng như kế hoạch của tỉnh; các ngành, lĩnh vực cần định hướng, xây dựng quy hoạch trong lĩnh vực logistics; ban hành những chính sách hỗ trợ DN, nhà đầu tư cũng như có chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ logistics; kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực logistics…

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.