Multimedia Đọc Báo in

Thấp thỏm nỗi lo trước mùa mưa lũ

13:28, 09/10/2011

Với nhiều hình thức tàn phá thiên nhiên khác nhau, từ khai thác cát, chặt phá rừng đầu nguồn trái phép, đến việc xây dựng một số công trình thủy lợi không hợp lý… con người đã vô tình biến những dòng sông vốn dĩ hiền hòa cũng trở nên hung dữ, tiềm ẩn mối tai họa thường xuyên rình rập cuộc sống bao người, nhất là khi mùa lũ đến…

Tình trạng sạt lở bờ sông luôn tiềm ẩn mối nguy hại đến cuộc sống người dân.
Tình trạng sạt lở bờ sông luôn tiềm ẩn mối nguy hại đến cuộc sống người dân.

Hiểm họa từ những dòng sông
Báo Dak Lak số ra ngày 15-8-2011 đã đưa tin, tại khúc sông Krông Ana, với chiều dài 27 km chảy qua địa bàn huyện Krông Bông, việc khai thác cát bất hợp lý diễn ra nhiều năm nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân địa phương. Mỗi ngày tại đoạn sông này có hàng chục chiếc thuyền trọng tải lớn, cùng nhiều máy móc chuyên dụng ra sức nạo vét, hút cát trái phép đã làm sạt lở, cuốn trôi hàng trăm ha đất hoa màu hai bên bờ sông, khiến dòng sông trước đây chỉ rộng khoảng 30- 40 m, sâu 3 m, đến nay, đoạn hẹp nhất đã hơn 60m, có nơi rộng đến 100 m,  độ sâu trung bình 10 m. Điều đáng lo là đến nay, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Bà Lê Thị Lan, thôn 1, xã Khuê Ngọc Điền bức xúc, do khai thác cát bừa bãi nên nguồn nước trên sông Krông Ana giờ đây luôn trong tình trạng đục ngầu, chảy xiết, các loài cá dường như không còn sống sót, nhiều hộ dân sống gần sông luôn phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Anh Đinh Doãn Nam, thôn 5, xã Khuê Ngọc Điền cho hay, giếng nước nhà anh vài năm nay đã không còn sử dụng được, bởi luôn trong tình trạng đục ngầu, nổi váng màu vàng và bốc mùi hôi tanh, dù được xử lý qua bể lọc mới sử dụng nhưng các con anh vẫn bị đau mắt đỏ, da nổi mẩn ngứa… Để an toàn, cả xóm phải mua nước máy bên ngoài về sử dụng.

 

Cùng với đó, tại dòng sông nước đục (huyện Krông Pak) có đoạn dài khoảng 300 mét chảy ngang qua địa bàn xã Ea Uy, từ lâu cũng luôn là nỗi ám ảnh cho cuộc sống của người dân nơi đây. Do địa hình trũng, ít bằng phẳng, giao thông kém thuận lợi, nên mọi việc giao thương đi lại của người dân các thôn 8, 11, 14 với thôn, buôn khác và UBND xã Ea Uy cũng luôn bị chia cắt bởi dòng sông này. Thiếu một cây cầu kiên cố, người dân chỉ còn biết trông chờ vào một con đò đã cũ, không mấy an toàn của một hộ dân trong xã đứng ra làm nghề đưa khách qua sông, mặc cho những nguy hiểm luôn rình rập.

Hằng năm, khi mùa mưa lũ đến, các dòng sông lại càng trở nên hung bạo hơn. Sông Krông Ana, đoạn chảy qua địa bàn huyện Ea Kar cũng đã chia cắt xã Cư Klang với các xã khác và thị trấn huyện, mọi giao thương, sinh hoạt của người dân với bên ngoài đều phải nhờ vào 2 cây cầu gỗ được bắc tạm qua sông (tại thôn 2A, 4A, xã Ea Ô). Tuy nhiên, do lòng sông rộng (từ 50-100 m) nên khi lũ về nước dâng lên làm hư hỏng và cuốn trôi cầu, biến xã Cư Klang thành một ốc đảo bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, chưa kể có năm lũ lụt còn cuốn trôi  nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân trong huyện. Như đợt mưa lũ hồi tháng 11- 2010, huyện Ea Kar có 93 công trình thủy lợi bị hỏng, 263 ha hoa màu mất trắng, 117 ha nuôi trồng thủy sản cũng bị cuốn trôi…, giao thông bị chia cắt do hầu hết cầu cống tại các thôn buôn đều bị hư hỏng nặng. Còn tại khúc sông Krông Ana chảy qua địa bàn huyện Krông Ana vào mùa lũ cũng chẳng khác nào biển nước. Ông Đặng Văn Lân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Ana cho biết, cứ sau mỗi mùa mưa lũ, nhiều diện tích đất và hoa màu ven sông bị xói lở, hàng chục căn nhà và kiến trúc khác của người dân ven sông bị cuốn trôi.

Việc giao thương đi lại của người dân xã Ea Uy, huyện Krông Pak chỉ nhờ vào con đò cũ kỹ trên dòng sông nước đục.
Việc giao thương đi lại của người dân xã Ea Uy, huyện Krông Pak chỉ nhờ vào con đò cũ kỹ trên dòng sông nước đục.

Chủ động ứng phó với lũ lụt
Hệ thống sông ngòi ở Dak Lak khá đa dạng, các nhánh sông chủ yếu đều hợp nhất về dòng Sêrêpôk, chảy trên địa bàn tỉnh dài 406 km, cùng với hơn 640 công trình hồ đập thủy lợi lớn nhỏ, diện tích tự nhiên rộng, địa hình phức tạp… nên hằng năm, khi mùa mưa lũ đến, công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ hiệu quả các công trình thủy lợi, đê điều trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã coi trọng việc kiên cố hóa hệ thống đê điều, giao thông, thủy lợi dọc nhiều nhánh sông trên địa bàn tỉnh, trong đó không ít công trình được xây dựng, gia cố vững chắc như tuyến đê bao Quảng Điền (huyện Krông Ana); đập krông Buk hạ (huyện Krông Pak); cầu Ea Zớt (huyện Ea Kar)… Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt (Sở NN-PTNT) cho biết: hằng năm, công tác phòng chống thiên tai, bão lụt luôn là vấn đề cấp bách của tỉnh. Trong đó, quan trọng hàng đầu là cần có sự quan tâm lồng ghép nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm hành lang an toàn bảo vệ đê, công trình thủy lợi, và những việc làm sai phạm ảnh hưởng tới dòng chảy; bổ sung kịp thời vật tư, phương tiện, dụng cụ phục vụ chống lũ trên các tuyến đê; lập phương án sơ tán và bảo đảm đời sống cho người dân khi mưa, lũ úng ngập, nhất là bà con khu vực ven sông, vùng thấp trũng. Về phía người dân cũng cần nâng cao ý thức chủ động đề phòng lũ lụt, khi cần có thể thu hoạch nông sản sớm, thà “xanh nhà hơn già đồng” để tránh mất mát khi mưa lũ đến. Sự chủ động, kịp thời trong phòng, chống lụt, bão sẽ giúp giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

 

Lê Thành

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.