Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng về kế hoạch hóa gia đình ở một xứ đạo

09:41, 13/01/2012

Thôn 2, xã Ea Ktur (Cư Kuin) có 123 hộ gia đình với 646 nhân khẩu, 100% là đồng bào Công giáo, nhưng 2 năm liền ( năm 2010 và 2011) thôn không có gia đình nào sinh con thứ 3.

Để đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền xã Ea Ktur, sự hoạt động tích cực của Ban Dân số-KHHGĐ xã trong việc vận động các chức sắc tôn giáo vào cuộc. Đồng thời, Chi bộ Đảng và Ban tự quản thôn đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dân thực hiện sinh đẻ có trách nhiệm.

Trên nền tảng cơ bản giáo lý về sinh sản và hôn nhân, thôn đã cụ thể hóa  “sinh đẻ có trách nhiệm” vào trong hương ước của thôn và tổ chức tuyên truyền thường xuyên về DS-KHHGĐ theo nhiều hình thức khác nhau như: lồng ghép truyền thông dân số trong các cuộc họp của thôn, sinh hoạt nhóm nam giới về sinh đẻ, vận động tại nhà, nêu gương điển hình về “sinh đẻ có trách nhiệm”. Từ đó, giáo dân đã có ý thức trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm lo phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ktur tư vấn chăm sóc SKSS cho chị Vũ Thị Lệ Thủy ở thôn 2
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ktur tư vấn chăm sóc SKSS cho chị Vũ Thị Lệ Thủy ở thôn 2

Gia đình anh Nguyễn Bá Ngọc và chị Lê Thị Kỳ Trâm là một gia đình tiêu biểu về thực hiện KHHGĐ. Hiện tại đứa con đầu của anh chị đã 6 tuổi nhưng họ vẫn chưa sinh thêm cháu thứ hai. Anh Ngọc cho biết: “Trước đây, cha mẹ tôi sinh 9 người con, khổ cực lắm, trong đó chỉ có 2 người con được ăn học đến nơi, đến chốn. Bây giờ, vợ chồng tôi rút kinh nghiệm, chỉ sinh 1 hoặc 2 con thôi. Thời buổi này để con cái thiếu ăn, thiếu mặc, không được học hành thì làm sao mà tiến kịp với xã hội”. Được biết ba năm trước gia đình anh Ngọc thuộc diện hộ nghèo ở thôn 2, nhưng nhờ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vợ chồng chăm chỉ làm ăn nên họ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu; cuộc sống gia đình rất hạnh phúc.

Còn anh Lê Hoàng Nguyên Sa và chị Vũ Thị Lệ Thủy sau khi sinh cháu thứ nhất 4 tuổi, anh chị mới sinh cháu thứ hai và quyết định không sinh thêm nữa. Nhờ sinh ít, lại sinh thưa nên việc chăm sóc mẹ và con luôn được đảm bảo, có thời gian để làm kinh tế. Thu nhập chính của gia đình anh Sa là từ 7 sào cà phê và một cửa hàng điện thoại di động, mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng. Kinh tế ngày một khá giả, hiện tại, vợ chồng anh Sa đang đầu tư xây dựng một sân bóng đá mini nhân tạo để cho thuê…

Thực tế cho thấy, sinh con ít, đẻ con thưa đã làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần ở thôn 2, xã Ea Ktur nâng lên rõ rệt. Hiện tại, thôn đã thành lập được các đội bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ…sẵn sàng tham gia khi có phong trào. Ông Nguyễn Anh Minh, thôn trưởng thôn 2 cho biết thêm: “Toàn thôn hiện có 123 hộ thì có hơn 60% hộ thuộc diện hộ khá, giàu và chỉ còn 10 hộ nghèo. Chúng tôi sẽ quyết tâm hơn nữa trong việc duy trì thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên, tạo tiền đề để xây dựng thôn 2 trở thành thôn văn hóa tiêu biểu ở huyện Cư Kuin”.

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.