Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ vùng căn cứ

07:17, 09/07/2012

Về huyện Krông Bông, vùng căn cứ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, điều dễ dàng nhận thấy là những nếp nhà tranh vách nứa xưa đã được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Góp phần vào sự đổi thay đó, thanh niên nơi đây đã tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông, nỗ lực phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Chung tay phát triển kinh tế

Dang Kang là một xã vùng xa của huyện Krông Bông, đời sống kinh tế  người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) ứng dụng khoa học-kỹ thuật (KHKT), Đoàn xã Dang Kang đã chủ động giới thiệu các loại giống cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao, xây dựng các điểm trình diễn kỹ thuật; đồng thời thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật... mở lớp tập huấn kỹ thuật. Cùng với việc chuyển giao KHKT, Đoàn xã đẩy mạnh hoạt động vay vốn, tham gia tích cực vào các dự án phát triển kinh tế giúp thanh niên làm giàu chính đáng. Nhờ được định hướng và hỗ trợ kịp thời, đến nay toàn xã có trên 50 mô hình trang trại VAC, VC, kinh doanh dịch vụ tổng hợp của ĐVTN hiệu quả, mỗi trang trại cho thu nhập hằng năm từ 50 đến 150 triệu đồng. Điển hình như anh Nguyễn Văn Tâm, đoàn viên chi đoàn thôn 3, gia đình có 2 ha cà phê, trước đây canh tác theo lối truyền thống nên mỗi năm thu được hơn 3 tấn nhân, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 50 triệu đồng. Từ khi tham gia các lớp tập huấn, anh thay đổi cách chăm sóc như bón thêm phân chuồng, chống rệp sáp hiệu quả, cắt cành làm cỏ đúng kỹ thuật… nên vườn cà phê đạt sản lượng hơn 5 tấn nhân, năm 2011 cho thu lãi 150 triệu đồng. Cũng ứng dụng KHKT hiệu quả vào sản xuất, nhiều thanh niên khác trong thôn như Nguyễn Văn Thuận, Thí Công Sự, Nguyễn Châu Đăng… đã tăng thu nhập từ 50 -100 triệu đồng/năm. Anh Y Ken Niê ở buôn Cư Ênun đã chuyển đổi 9 sào đất trồng lúa rẫy sang trồng ngô lai, mỗi vụ thu trên 7 tấn, trừ chi phí mỗi năm còn lãi trên 40 triệu đồng,  nhờ vậy gia đình anh từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Ngọc Vương, Bí thư Đoàn xã cho biết: “KHKT đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, ĐVTN trong xã ai cũng chí thú làm ăn nên các tệ nạn rượu chè, bài bạc, gây rối đã giảm hẳn, hơn 80%  số hộ thanh có cuộc sống trung bình đến khá giả”.

              Làm đường giao thông nông thôn.
Làm đường giao thông nông thôn.

Thiếu vốn, thiếu kinh phí luôn là câu chuyện “nóng” ở các diễn đàn, hoạt động thanh niên, nhưng chi đoàn buôn Kiều, một trong những buôn xa nhất của xã Yang Mao lại là một điểm sáng trong việc tự tạo vốn. Bí thư chi Đoàn Y Chương Ksơr cho biết: “Muốn có phong trào mạnh thì phải có kinh phí để hoạt động, nói phải đi đôi với làm, có như vậy đoàn viên, thanh niên mới tin và làm theo”. Để gây quỹ, Y Chương đã tổ chức ĐVTN thành từng nhóm vào các ngày chủ nhật hằng tuần giúp bà con trong buôn gieo trồng, thu hoạch nông sản. Nhờ sự năng động, nhiệt tình đến nay chi đoàn đã có số quỹ gần 50 triệu đồng, dùng mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động phong trào; thăm hỏi ĐVTN khi đau ốm, hoạn nạn… Đặc biệt, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế luôn được quan tâm. Anh Y Tương Niê cho biết: “Nhà có 5 sào đất trồng lúa nhưng không có tiền đầu tư giống, phân bón, sau khi được chi đoàn hỗ trợ vốn và giúp đỡ ngày công năng suất lúa đạt cao hơn, đến nay cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”. Để tiếp tục gây quỹ Ban Chấp hành chi đoàn đã xin Ban Tự quản buôn dành quỹ, đất để ĐVTN trồng trọt. Thấy thanh niên trong buôn sau khi tham gia sinh hoạt Đoàn sống có trách nhiệm hơn với gia đình, buôn làng, không sa vào các tệ nạn xã hội, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế, bà con trong buôn rất phấn khởi, tin tưởng. Các ama, amí đều ủng hộ, động viên con em tham gia hoạt động của chi đoàn.

Xung kích bảo vệ môi trường

Hòa Phong là một trong 6 xã của huyện nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cư Yang Sin, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ, săn bắn động vật hoang dã trái phép. Trước tình hình đó, Đoàn thanh niên xã Hòa Phong đã chủ động liên hệ với Ban quản lý Vườn Quốc gia đảm nhận, chăm sóc, bảo vệ 44 ha rừng đệm trên địa bàn xã. Trong các buổi sinh hoạt, Đoàn xã chú trọng tuyên truyền về những giá trị, lợi ích của rừng, giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả từ rừng, hay các dự án trồng rừng sản xuất liên kết để ĐVTN tham khảo, ứng dụng cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, hơn 22.000 ĐVTN trong xã đã thực hiện thành công “Công trình chăm sóc và bảo vệ 44 ha rừng đệm” với giá trị ước đạt hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Nguyên Đồng, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Hằng tháng theo thứ tự, các chi đoàn cử mỗi lần 20-30 ĐVTN mang theo lương thực, thực phẩm dựng lán ở lại trong rừng 3-4 ngày để phát dọn cây bụi rậm, bảo vệ rừng”. Nhờ vậy tình trạng phá rừng đã giảm hẳn. Anh Y Xun Ê ban, Bí thư chi đoàn buôn Ngô B nhận định: “Người dân buôn mình giờ không chỉ chăm lo làm ăn ổn định cuộc sống mà còn trở thành những điển hình bảo vệ rừng, hễ thấy người lạ xâm nhập rừng thì họ liền báo cho thanh niên trong buôn để kịp thời tuần tra bảo vệ”.

ĐVTN huyện Krông Bông ra quân tình nguyện “Bảo vệ dòng sông quê hương”.
ĐVTN huyện Krông Bông ra quân tình nguyện “Bảo vệ dòng sông quê hương”.

Anh Lâm Thanh Tùng, Bí thư Huyện Đoàn cho biết: Trong nhiệm kỳ 2006-2012, Đoàn Thanh niên huyện đã tín chấp vay trên 36 tỷ đồng giúp gần 2.000 hộ thanh niên có vốn sản xuất; tổ chức 24 lớp tập huấn ứng dụng KHKT cho hàng chục nghìn ĐVTN…”. thành lập và duy trì hoạt động 8 Câu lạc bộ, đội nhóm bảo vệ môi trường với hàng trăm ĐVTN tham gia… Phong trào xung kích tình nguyện vì cộng đồng cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như: tham gia tu sửa, làm mới 82 km đường giao thông nông thôn; khám tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc cho gần 1.500 lượt người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá trên 100 triệu đồng.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc