Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo từ Lách Ló

09:51, 21/10/2012

Nếu như xã Nam Ka được xem là địa phương nghèo nhất ở huyện Lak thì Lách Ló là buôn nghèo nhất và cũng là xa nhất của Nam Ka. Lách Ló nằm lọt thỏm giữa vùng lõi rừng đặc dụng Nam Ka, cách trung tâm xã phải đến 10 km đường rừng. Từ bao đời nay, người dân Lách Ló phải đối diện với cái nghèo đeo đẳng bởi tập tục du canh du cư lạc hậu của người Ê đê bản địa.

Thống kê mới đây của chính quyền địa phương cho thấy, cả buôn hiện có 61 hộ với 282 nhân khẩu, và đến nay chừng ấy số hộ, số khẩu vẫn chưa thoát được đói nghèo. Điều này đã từng khiến cho chính quyền huyện, tỉnh “đau đầu” với “bài toán” phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân. Theo ông Đỗ Quốc Hương, Chủ tịch UBND huyện Lak thì nguyên nhân khiến buôn Lách Ló nghèo là do bà con ở quá sâu trong rừng nên vẫn chưa thay đổi được phương thức canh tác lạc hậu. Thêm vào đó là hạ tầng giao thông không có nên hàng hóa nông sản làm ra không thể giao thương buôn bán được. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu là tự cấp tự túc. Vậy nên thiếu thốn, nghèo đói là tất yếu! Lo cho dân Lách Ló, huyện đã nhiều lần tổ chức vận động bà con di dời ra khỏi rừng để huyện tổ chức tái định canh định cư, ổn định đời sống. Tuy nhiên, người dân vẫn kiên quyết không chịu ra khỏi rừng.

Gia đình Y Niêm có 6 khẩu hiện đang sống trong căn chòi tạm bợ ở Lách Ló. Ai cũng hy vọng khi dự án định canh định cư buôn Lách Ló hoàn thiện, đời sống của người dân nơi đây sẽ bớt khổ hơn.
Gia đình Y Niêm có 6 khẩu hiện đang sống trong căn chòi tạm bợ ở Lách Ló. Ai cũng hy vọng khi dự án định canh định cư buôn Lách Ló hoàn thiện, đời sống của người dân nơi đây sẽ bớt khổ hơn.

 

Không thể để người dân chịu đói khổ mãi, UBND huyện Lak đành phải lập phương án tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án định canh định cư cho đồng bào buôn Lách Ló ngay trong lõi rừng đặc dụng Nam Ka. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 53,7 tỷ đồng, bao gồm 8 danh mục công trình. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 hạng mục công trình, gồm: Đường giao thông (tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng), công trình thủy lợi (trên 17,5 tỷ đồng) và hệ thống điện (trên 7,2 tỷ đồng). Có thể nói đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần quyết định việc cải thiện và nâng cao đời sống người dân Lách Ló nói riêng và xã vùng ba Nam Ka nói chung, góp phần đưa người dân Lách Ló ra gần hơn với đời sống văn minh hiện đại.

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện khiến người dân cũng như chính quyền địa phương vô cùng phấn khởi bởi Lách Ló, Nam Ka sẽ có cơ hội đổi đời… Tuy nhiên, khi “bài toán” đói nghèo ở Lách Ló đã có “lời giải” thì nơi đây đã và đang nảy sinh nhiều mối lo khác đè nặng lên công tác quản lý bảo vệ rừng, bởi cửa rừng đặc dụng Nam Ka đang sắp được “mở toang”!...

Mối lo đầu tiên đối với Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka là mất rừng, hiện nay đã trở thành hiện thực, khi UBND tỉnh mới đây đã ra quyết định thu hồi trên 100 ha rừng để thực hiện dự án định canh, định cư cho người dân buôn Lách Ló. Và sắp tới đây nữa, dự án làm đường vào buôn dự kiến cũng sẽ “ngốn” của rừng đặc dụng Nam Ka hàng chục héc-ta.

Đó là những gì hiện hữu trước mắt, là những “mất mát”, “hy sinh” của rừng để đánh đổi lấy sự ổn định và phát triển cho người dân Lách Ló. Còn tương lai, có ai dám chắc rằng rừng sẽ không bị mất thêm?

Lúa đã mọc trong vùng lõi rừng đặc dụng Nam Ka!
Lúa đã mọc trong vùng lõi rừng đặc dụng Nam Ka!

Mối lo lớn nhất của những người làm công tác giữ rừng tại đây chính là đường vào rừng sẽ được khai thông. Tương lai khi dự án hoàn thiện, con đường có chiều rộng 6m từ ngã ba Ea Rbin chạy vào vùng lõi của rừng đến tận buôn Lách Ló sẽ oằn lên mình nỗi lo là “con đường gỗ lậu”. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka lo ngại: “Từ bao đời nay, người dân Lách Ló sống hiền và thuần lắm. Họ chỉ chăm chút phát nương, làm rẫy mà chẳng bao giờ có thói quen vào rừng lấy gỗ đem bán. Điều này một phần do đường vận chuyển không có, phần khác là do người dân nơi đây dường như sống biệt lập với bên ngoài. Sắp đến đường đi sẽ thông vào tận buôn thì làm sao biết trước được điều gì sẽ xảy ra…”. Đằng sau mối lo ngại của ông Đức là những câu hỏi luôn đặt ra trong đầu những người có trách nhiệm giữ rừng ở đây: “Ai có thể kiểm soát được những đối tượng “lạ” trà trộn vào Lách Ló để phá rừng, khai thác gỗ”?, “Ai dám chắc người dân Lách Ló sẽ không sẽ không bị cám dỗ vật chất trước mắt để tiếp tay cho lâm tặc”?...

Và nữa, một khi đường đã mở, kết cầu hạ tầng ở Lách Ló đã được đầu tư bài bản để người dân có thể ổn định đời sống, phát triển sản xuất… thì nơi đây có thể sẽ trở thành “miền đất hứa” để người dân nơi khác kéo đến sinh sống. Từ đây ắt sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy khác cho Lách Ló, cho rừng Nam Ka như: sang nhượng đất, phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy… là điều không thể tránh khỏi! “Chẳng nói đâu xa, ngay những người dân trong buôn Lách Ló này thôi, ngay khi biết được dự án triển khai, họ cũng đã bắt đầu manh nha ý định đánh dấu đất, phân chia rừng!…” – ông Y Rin Buôc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Ka cho biết.

Câu chuyện về một làng người Mông di dân tự do vào sống giữa rừng Buôn Ja Wầm đã và đang khiến cho chính quyền xã Ea Kiết và huyện Cư M’gar “đau đầu” với nạn phá rừng làm rẫy. Hay như thực trạng đáng buồn từ buôn Drang Phốk (xã Krông Na, Buôn Đôn) sống giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, cả một thời gian dài vừa qua “nổi tiếng” với “nghề” khai thác lâm sản, mà báo chí đã nhiều lần phản ánh. Nay, lại thêm rừng đặc dụng Nam Ka với nỗi lo từ buôn Lách Ló!

 Việt Cường 


Ý kiến bạn đọc