Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak: Đào tạo nghề lao động nông thôn theo nhu cầu học nghề và yêu cầu của thị trường

08:33, 28/05/2013

Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, mặc dù còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, từng bước khẳng định vai trò trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Học viên sau khi được học nghề đã áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất tại gia đình.
Học viên sau khi được học nghề đã áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất tại gia đình.

Đi vào hoạt động từ tháng 6-2011, sau nhiều lần chuyển đổi vị trí làm việc, hiện nay Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak vẫn chưa có chỗ làm việc ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn và dạy nghề còn thiếu, đặc biệt chưa có phòng học cho học viên tại trung tâm; đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu lại không đúng chuyên môn, đa số là cán bộ nữ trẻ chưa có kinh nghiệm… Với quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để từng bước ổn định hoạt động dạy nghề, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã mở được 13 lớp sửa chữa xe ô tô, xe gắn máy, máy nổ, nghề mây tre đan, chăn nuôi - thú y… cho 455 học viên, tạo được công ăn việc làm cho hơn 65% lao động nông thôn, chủ yếu là hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.

Khắc phục tình trạng không có phòng dạy học, Trung tâm đã tổ chức các lớp dạy nghề lưu động tại các thôn, buôn và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… Điều đáng ghi nhận là trung tâm đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề và yêu cầu của thị trường, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch để đáp ứng từng yêu cầu của địa phương. Sau khi được học nghề, các học viên đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, thú y cũng như kỹ thuật trồng trọt, từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi của gia đình và bước đầu đem lại những hiệu quả nhất định.

Chị  H’Moar Niê ở buôn Pu, xã Ea Knuêch là một học viên của lớp dạy nghề chăn nuôi trong 3 tháng do Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak tổ chức vào năm 2012. Từ những kiến thức đã được học, chị áp dụng vào mô hình chăn nuôi heo của gia đình mình. Trước đây, chị nuôi heo theo cách truyền thống, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, heo phát triển chậm, dễ bị bệnh, nên thường bị thương lái ép giá. Từ khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật đã học được vào mô hình chăn nuôi, đàn heo của gia đình chị phát triển tốt, lớn nhanh. Đến nay, gia đình chị có 18 con heo, trong đó có 2 con heo nái và 16 con heo thịt. Cứ 6 tháng, gia đình chị lại xuất bán heo một lần, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư nuôi thêm 10 con bò để nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Chị H’Moar Niê chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi heo từ lâu rồi, nhưng nuôi theo cách truyền thống, nên heo chậm lớn, nhiều mỡ, dễ bị bệnh. Từ khi theo học lớp chăn nuôi thú y do Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak mở, tôi đã áp dụng trong việc chăn nuôi, nhờ đó đàn heo của gia đình tôi phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao…’’.

HTX mây tre đan Phú Thịnh, xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) là một trong những cơ sở liên kết đào tạo với Trung tâm Dạy nghề của huyện. Được thành lập vào năm 2003, mới đầu HTX mây tre đan Phú Thịnh chỉ có 11 tổ nhận hợp đồng sản xuất hàng theo đơn đặt hàng từ TP. Hồ Chí Minh và chuyên sản xuất các sản phẩm như: giỏ đựng rượu cần, vỏ ấm trà, chuông gió… Đến nay, HTX đã có 24 xã viên, với 17 lao động thường xuyên, trong đó 70% lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Sản phẩm của HTX sản xuất được tiêu thụ theo đơn đặt hàng từ các tỉnh: Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước… với thu nhập của người lao động từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Aduôn Bók (buôn Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) đã từng được theo học lớp dạy nghề mây tre đan do Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak phối hợp với Hợp tác xã mây tre đan Phú Thịnh (xã Hòa Đông) tổ chức trong vòng 6 tháng. Sau khi học nghề, bà đã được Hợp tác xã cung cấp nguyên liệu thô để mang về làm tại nhà. Tận dụng thời gian nông nhàn, bà Aduôn Bók lại lấy nguyên liệu ra đan và dạy thêm cho con cháu học cách đan lát để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cứ từ 2-3 ngày, gia đình bà lại xuất bán cho Hợp tác xã hơn 100 cái giỏ; mỗi giỏ bà được trả 3.000 đồng. Trung bình mỗi tháng, gia đình Aduôn Bók cũng kiếm thêm được gần 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Bà Aduôn Bók cho biết: “Nhờ theo học lớp mây tre đan, nên tôi đã biết đan lát để tăng thu nhập cho gia đình. Hợp tác xã đã tạo điều kiện, cho chúng tôi mang về nhà làm. Tranh thủ thời gian làm đồng áng, tôi lại lấy ra làm; cứ 2, 3 hôm lại bán cho Hợp tác xã. Tuy số tiền không nhiều, nhưng cũng có thêm thu nhập…”.

Có thể nói, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Pak đã mang lại hiệu quả bước đầu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.

Y Minh Tuệ


Ý kiến bạn đọc