Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho thanh niên lập thân, lập nghiệp

07:23, 06/03/2016

Những năm qua, từ nhiều kênh huy động, Quỹ khởi nghiệp do Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động đã hỗ trợ nhiều đoàn viên thanh niên tiếp cận, khai thác nguồn vốn để phát triển kinh tế, vượt khó, lập thân, lập nghiệp làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Anh Hoàng Thế Lập, ở tổ dân phố Quyết Tiến, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), bản thân bị khuyết tật từ nhỏ, học xong cấp ba anh học thêm nghề sửa chữa điện tử. Những năm trước, do hàng ti vi nội địa (nhập khẩu) còn thịnh hành, anh có cơ hội phát triển, về sau các hãng công nghệ đều có chế độ bảo hành riêng, ti vi chất lượng cao nên người làm nghề như anh đều gặp khó khăn. Do bị khuyết tật về cột sống, tay chân hay bị tê, liệt tạm thời khiến công việc không ổn định nên anh quyết định chữa bệnh. Anh đã trải qua 5 lần phẫu thuật, 7 lần gây mê và 2 năm chống chọi với bệnh tật. Phẫu thuật nhiều nhưng di chứng vận động vẫn còn, vốn phát triển kinh tế cạn kiệt khiến anh Lập suy sụp nhiều. 

Anh Y Linh Niê (trái) trao đổi với cán bộ Đoàn về cách trồng hoa.
Anh Y Linh Niê (trái) trao đổi với cán bộ Đoàn về cách trồng hoa.

Sinh hoạt tại Câu lạc bộ Người khuyết tật thị trấn Ea Pốk, tham gia hoạt động phong trào của Huyện Đoàn, anh Lập được mọi người động viên giúp đỡ. Anh quyết tâm học thêm nghề làm kính và đồ nhôm cao cấp. Chịu khó học hỏi, sau khi thành nghề anh lại được Hội LHTN tỉnh giải quyết cho vay 20 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Có vốn, được gia đình, bạn bè động viên anh quyết tâm vượt khó, vươn lên. Cần cù, chăm chỉ, cẩn thận trong công việc nên cửa hàng của anh ngày càng đông khách. Đến nay, Cơ sở nhôm kính Tiến Thanh của anh Lập đã tạo dựng được uy tín tại thị trấn. Bên cạnh đó, anh còn nhận dạy nghề cho một em bị thiểu năng trí tuệ và thuê thêm thợ phụ. Sau hai năm vay vốn phát triển kinh tế, anh Lập đã hoàn trả đầy đủ và mua thêm một sạp kinh doanh cho vợ buôn bán tại chợ thị trấn Ea Pốk. Anh Lập tâm sự: “Có được ngày hôm nay thực sự là có sự giúp đỡ rất nhiều của các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến địa phương. Nếu không có sự động viên và giúp đỡ này, chắc tôi sẽ khó vươn lên trong cuộc sống”.

Còn đối với anh Y Linh Niê, thôn 4, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) thì quá trình khởi nghiệp lại được đánh dấu bằng những lần vấp ngã để đổi lấy kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế của mình. Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên năm 2011, cũng như bao thanh niên khác, Y Linh hăm hở nộp hồ sơ vào nhiều nơi để tìm công việc phù hợp. Trong lúc ở nhà chờ xin việc, nhận thấy gần 1 héc-ta vườn của gia đình không có ai chăm sóc, bố mẹ đã già yếu, Y Linh quyết tâm sẽ phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, cà phê trong vườn đã già cỗi, không còn năng suất, Y Linh quyết định nhổ bỏ và trồng hoa cúc. Vụ đầu tiên, Y Linh nhập gần 2.000 cây về và chỉ dựa vào kinh nghiệm để trồng trọt. Thế nhưng, do chọn giống không phù hợp với thổ nhưỡng nên cây cúc lúc thì nhiễm bệnh, khi thì không ra hoa...

3 vụ hoa thất bại, Y Linh định không làm nữa nhưng được gia đình động viên, người vợ ủng hộ và các cấp bộ Đoàn tạo điều kiện cho anh vay vốn khởi nghiệp, Y Linh mạnh dạn khởi nghiệp lần thứ 4. Được vay vốn, lại được cán bộ đoàn gợi ý, Y Linh sang TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để học tập về kỹ thuật trồng hoa chứ không trồng theo kinh nghiệm nữa. Y Linh đã biết chọn loại giống phù hợp với thổ nhưỡng của Đắk Lắk, sử dụng phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật một cách khoa học... Lần thứ 4, lứa hoa cúc thành công và cho thu lãi là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với Y Linh. Y Linh tâm sự: “Khởi nghiệp không hề dễ dàng, có những lúc thất bại nhưng cần nhất vẫn là sự kiên trì và giúp đỡ, động viên của mọi người, đặc biệt là vốn khởi nghiệp đã giúp tôi có được thành công như ngày hôm nay”. Giờ đây, mỗi vụ hoa của Y Linh đã lên tới 10.000 cây (2 vụ thu hoạch/tháng), trừ đi công và vốn, Y Linh thu về từ 7-8 triệu đồng/vụ; bên cạnh đó anh còn trồng thêm tiêu, nuôi heo rừng, vịt xiêm, bò... Y Linh bày tỏ: “Ước mơ của mình là có thể phát triển trồng hoa theo công nghệ cao bằng nhà lồng, điều tiết bằng hệ thống máy tính cho thời gian thu hoạch ngắn và chất lượng hoa cao hơn”.

Được gây dựng và phát triển từ năm 2010, Quỹ khởi nghiệp do Hội LHTN tỉnh đã vận động được nhiều mạnh thường quân, các doanh nghiệp ủng hộ từ đó hỗ trợ cho thanh niên vay vốn không lãi để phát triển kinh tế. Đến nay, Quỹ khởi nghiệp đã có hơn 170 triệu đồng, trao vốn cho 20 thanh niên phát triển kinh tế. Cách làm này cũng đã được Hội LHTN Việt Nam ở cấp cơ sở hưởng ứng và phát triển như đơn vị huyện Krông Ana tổng nguồn vốn là 200 triệu đồng, đã giải ngân 140 triệu đồng; Cư M’gar 160 triệu đồng và đã giải ngân toàn bộ; TP. Buôn Ma Thuột 200 triệu đồng và đã giải ngân toàn bộ. Những nguồn vốn giải ngân giúp được nhiều thanh niên khởi nghiệp và đã thu hồi vốn.

Anh Y Nhuân Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Các hoạt động đồng hành cùng thanh niên lập thân, lâp nghiệp thời gian qua đã góp phần thiết thực phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Quỹ khởi nghiệp luôn chú trọng tạo cơ hội cho thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương... những đối tượng ít cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, làm lại cuộc đời. Từ chỗ phần lớn thanh niên còn e dè khi tiếp cận, chưa có định hướng phát triển kinh tế, các nguồn vốn vay dành cho thanh niên phát triển kinh tế đã đạt được nhiều kết quả khả quan”.

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.