Multimedia Đọc Báo in

Để quê hương căn cứ thực sự chuyển mình

09:06, 16/09/2016

Những ngày này Khu căn cứ Cách mạng H9 năm xưa (nay là huyện Krông Bông) như được khoác lên mình chiếc áo mới. Không khí phấn khởi lan tỏa đến từng người dân, nhất là những ai đã một thời được bảo bọc, nuôi dưỡng và gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây. 

Bác Ama H’Oanh (tức Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, dù đã ở tuổi 86, mới đây bác vẫn tham gia cùng Đoàn khảo sát trở về Khu căn cứ Cách mạng H9 để đánh giá và cắm biển định vị các di tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong hồi ức của bác, suốt dọc theo chiều dài lịch sử kháng chiến, dù trải qua hy sinh, gian khổ, đất và người Krông Bông vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, kể cả nhân lực bảo vệ vững chắc vùng căn cứ với mong muốn đất nước sớm trọn niềm vui.

Các bác Ama H'Oanh (bên phải) và Lê Chí Quyết  trong chuyến khảo sát Khu căn cứ cách mạng (H9) tháng 8-2016.  Ảnh: Đ. Đối
Các bác Ama H'Oanh (bên phải) và Lê Chí Quyết trong chuyến khảo sát Khu căn cứ cách mạng (H9) tháng 8-2016. Ảnh: Đ. Đối

Còn với đồng chí Cao Đức Khiêm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thì: “Năm 2003, tôi về làm Bí thư Huyện ủy Krông Bông, thu ngân sách của huyện lúc ấy chỉ vỏn vẹn 4,3 tỷ đồng! Lấy gì mà ăn, mà tiêu, mà xây dựng… đây? Câu hỏi này cứ quấn lấy tôi và buộc phải sớm có lời giải. Sau khi nắm bắt kỹ tình hình, tôi quyết định trước tiên cần chỉnh đốn lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ phải bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân; chú trọng phát triển đảng viên người tại chỗ, củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Đặc biệt để nâng cao đời sống của người dân, tôi đặt vấn đề cùng tập thể lãnh đạo huyện giải quyết sớm những khâu có tính cấp bách đó là đường giao thông, công trình điện, hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi, hướng dẫn đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: nuôi bò lai sin, heo hướng nạc, đưa một số giống lúa ngắn ngày vào gieo trồng để tránh lũ lụt…”. Khi về tỉnh nhận nhiệm vụ mới và được Thường trực Tỉnh ủy phân công tiếp tục theo dõi địa bàn Krông Bông, nên tôi càng có điều kiện để nắm bắt tình hình và quan tâm đến vùng căn cứ này hơn.

Đồng chí Cao Đức Khiêm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nghiên cứu dự thảo Lịch sử Đảng bộ huyện  Krông Bông giai đoạn 1975-2015.
Đồng chí Cao Đức Khiêm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nghiên cứu dự thảo Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Bông giai đoạn 1975-2015.

Là người đứng đầu UBND huyện từ những năm mới thành lập rồi sau đó giữ cương vị Bí thư Huyện ủy đến năm 2003, bác Y Siêm Byă (tên thường gọi là Ama Loan) hiểu cặn kẽ từng vùng đất và đồng bào quê hương cách mạng, phải gồng mình trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ căn cứ, chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ. Nay hơn ai hết, bác rất vui mừng khi thấy vùng căn cứ H9 năm xưa đang đổi thay từng ngày.

Bác Ama Loan (bìa trái), nguyên lãnh đạo huyện cùng người dân ngắm nhìn sự đổi thay của quê hương.
Bác Ama Loan (bìa trái), nguyên lãnh đạo huyện cùng người dân ngắm nhìn sự đổi thay của quê hương.

Vì vậy, trong câu chuyện với chúng tôi trước thềm lễ kỷ niệm 35 năm thành lập huyện, bác hân hoan: “Krông Bông bây giờ khác xưa nhiều lắm, sướng rồi!”. Bác cho biết, lúc mới chia tách huyện, giao thông liên huyện, liên xã rất khó khăn, muốn vào các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao phải đi mất cả ngày đường, còn bây giờ đã có tuyến xe buýt, chỉ khoảng 30 phút là vào đến nơi. Hay như cả huyện chỉ có vài chục giáo viên; đội ngũ y, bác sĩ đếm trên đầu ngón tay, hiện nay trường học đã phủ kín đến thôn, buôn; thậm chí xã Cư Đrăm có trường  trung học phổ thông. Vui mừng nhất là có thầy cô giáo, bác sĩ người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhiều người giữ những cương vị chủ chốt ở các xã, các phòng ban của huyện.

35 năm sau ngày thành lập huyện, vùng căn cứ H9 đã có nhiều khởi sắc, dù chưa phát triển bằng các địa phương khác, nhưng đã “vượt lên chính mình”, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Thế nhưng, theo bác Ama Loan những đổi thay ấy vẫn chưa tương xứng với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và những đóng góp của nhân dân Krông Bông trong cuộc kháng chiến cứu nước. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn quá cao, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật nhất là với những xã xa trung tâm huyện còn nhiều khó khăn... Và bác mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cao hơn nữa là các ngành Trung ương thực sự quan tâm đầu tư về mọi mặt cho những khu, vùng căn cứ kháng chiến trước đây, cùng với sự nỗ lực của từng địa phương để bù đắp sự hy sinh về người và của mà họ đã dành cho cách mạng.

Còn theo đồng chí Cao Đức Khiêm, bên cạnh mong muốn trên, Krông Bông cần xác định nông nghiệp vẫn là mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện, trong đó chăn nuôi và trồng trọt được xem là chủ đạo. Nhưng phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Chú trọng khuyến khích kinh tế hộ gia đình làm giàu cho chính mình và cho xã hội. Để từ đó với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng Krông Bông đi lên vững chắc trong những năm tới.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc