Multimedia Đọc Báo in

Rủ nhau đi học… nấu ăn

09:57, 10/03/2017

Cuộc sống hiện đại, con người không chỉ có nhu cầu “ăn no” mà phải “ăn ngon, hấp dẫn”. Nắm bắt tâm lý này, nhiều bà nội trợ quyết định đi học nấu ăn, góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Chị Trần Lan Phương (42 tuổi, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang là kế toán cho một cơ quan Nhà nước, vừa quản lý kinh doanh nhà nghỉ của gia đình, công việc bận rộn nhưng vẫn tranh thủ thời gian buổi tối để đi học lớp dạy nấu ăn. Chị Phương tâm sự, con của chị rất kén ăn, nên chị lên diễn đàn “lamchame” và được các mẹ “mách nước” theo học lớp nấu ăn để biết cách chế biến món ăn ngon, bổ dưỡng, lạ mắt, kích thích cảm giác thèm ăn của con trẻ. Chị làm theo và kết quả, hai đứa con đã “ghiền” cơm mẹ nấu. Nhìn con tranh nhau thưởng thức từng món ăn do tự tay mình nấu, mọi mệt nhọc trong chị đều tan biến.

Cũng xuất phát từ tình yêu thương dành cho con và tổ ấm của mình, chị Phan Trần Bảo Trang đang sinh sống ở tỉnh Đắk Nông vẫn sắp xếp thời gian sang Đắk Lắk theo học lớp dạy nấu ăn. Chị Trang chia sẻ, chị đi học vì muốn làm nhiều món ăn bảo đảm chất lượng cho cho chồng và các con thân yêu. Dù ngày nay không đặt nặng chuyện phụ nữ là phải nấu ăn ngon, nhưng nếu làm được thì đây chính là bí quyết để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nên dù đường sá xa xôi, chị vẫn quyết theo học.

Chị Trang (bên phải) học làm món xôi lá cẩm.
Chị Trang (bên phải) học làm món xôi lá cẩm.

Theo chị Trần Thị Hải Yến, giáo viên dạy làm các loại bánh ở đường Ama Jhao (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), nhu cầu học nấu ăn hiện nay rất lớn, không chỉ phụ nữ mà cả nam giới. Bản thân chị là giáo viên dạy Tiếng Anh tiểu học nhưng niềm đam mê nội trợ đã đưa chị trở thành người dạy làm bánh có tiếng ở TP. Buôn Ma Thuột. Chị Yến vốn yêu thích nghề làm bánh và dành nhiều thời gian tự mày mò làm nhưng sản phẩm chưa được ưng ý lắm. Năm 2006, chị quyết định vào TP. Hồ Chí Minh học cách làm bánh chuyên nghiệp. Học xong, chị nảy sinh ý tưởng mở lớp dạy để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho những người cùng sở thích. Nhờ nắm bắt đúng nhu cầu, lớp học thu hút rất nhiều học viên gồm những bà mẹ nội trợ, người đang kinh doanh hoặc đang có ý định kinh doanh hay người muốn mở lớp dạy làm bánh đến từ các tỉnh thành khác nhau như: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... Các học viên có thể đến học trực tiếp tại nhà chị hoặc đăng ký học qua mạng Internet, mức học phí và thời gian học tùy từng loại bánh. Các loại bánh chị dạy gồm: bánh kem hoa, bánh kem vẽ, rau câu 3D, rau câu nổi, Wagashi Nhật, bông lan trứng muối, bánh trung thu, Tiramisu,… Ngoài ra, chị còn mở lớp cắt tỉa rau củ, trái cây, trang trí dĩa, làm cơm Bento... Sắp tới chị có ý định mở thêm những khóa học làm bánh, nấu ăn chuyên sâu cho các em nhỏ.

Có thể nói, dù cuộc sống hiện đại đến đâu, bữa cơm gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết tình yêu thương giữa các thành viên lại với nhau. Xuất phát từ yêu cầu đó, nhiều người, nhất là chị em phụ nữ tìm đến các lớp dạy nấu ăn như một cách học làm… vợ đảm, mẹ hiền.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.