Multimedia Đọc Báo in

Những cua-rơ giữ rừng

14:59, 23/04/2017

Từ đầu năm 2017, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn bắt đầu sử dụng xe đạp vào “biên chế” các loại phương tiện phục vụ kiểm lâm tuần tra và bảo vệ rừng. Từ đó, những kiểm lâm ở đây đã trở thành những cua-rơ dù không tham gia bất cứ giải đua nào, chỉ âm thầm len lỏi trong những cánh rừng để bảo vệ chúng.

 Một ngày cuối tháng 3, dưới cái nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, tôi theo chân ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn cùng nhóm kiểm lâm 5 người trải nghiệm chuyến tuần tra rừng bằng xe đạp. Từ Trung tâm Vườn, chúng tôi bắt đầu di chuyển bằng xe đạp vào sâu trong rừng, đến những vị trí mà rừng có nguy cơ lâm tặc xâm hại. Vào mùa này, để chống chọi với nắng nóng, những cánh rừng khộp đổ trút những chiếc lá trên mình. Phía dưới, thảm thực vật cũng khô trụi nên xe đạp có thể di chuyển được trong rừng.

Ông Tùng cho biết, hiện nay trung bình một kiểm lâm của Vườn được giao quản lý, bảo vệ 500 ha rừng. Với đặc thù địa hình bằng phẳng và có khoảng 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư, đường giao thông; các khu rừng đã chuyển đổi mục đích, vùng đệm rộng tiếp giáp với 7 xã,  90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu, trong đó có buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) sống trong vùng lõi đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Áp lực mà ông Tùng nói đã hiện ra sau khoảng 20 phút di chuyển. Chúng tôi đã phát hiện một cây gỗ dầu lớn vừa bị chặt hạ, lá còn xanh, nhựa còn ứa. Kiểm tra những vết chặt lỗ chỗ trên thân cây, những kiểm lâm trong đoàn nhận định nó bị đốn hạ để bắt kỳ đà. “Để bắt một con kỳ đà, người ta sẵn sàng đốn hạ cả cây rừng. Việc săn bắn, khai thác gỗ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học của Vườn”, ông Tùng xót xa.

Sử dụng xe đạp trong tuần tra rừng ở VQG Yok Đôn.
Sử dụng xe đạp trong tuần tra rừng ở VQG Yok Đôn.

 

 
“Hiện nay Vườn có 60 chiếc xe đạp phân bổ cho các đội, trạm quản lý bảo vệ rừng để phục vụ công tác tuần tra. Số lượng xe này mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của Vườn”
 
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn.

Tại VQG Yok Đôn, việc kiểm lâm thường xuyên có mặt ở rừng là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Tuy nhiên, nếu đi bộ thì không thể đi hết và bao quát được diện tích rừng phụ trách, còn nếu đi xe máy thì có nhiều vị trí do địa hình phức tạp không thể đến được. Thêm vào đó, đi bằng xe máy tạo ra tiếng động, lâm tặc sẽ phát hiện và lẩn trốn. Trong khi đó, xe đạp với lợi thế có thể cơ động trên nhiều địa hình khác nhau, không gây tiếng ồn khi di chuyển nên khắc phục được những hạn chế trên. “Nhiều khi kiểm lâm đến gần nhưng lâm tặc vẫn không hay biết, khi bị bắt chúng cũng không hiểu vì sao kiểm lâm lại đến nhanh vậy. Ngoài quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm Vườn có nhiệm vụ giám sát đa dạng sinh học, nên di chuyển bằng xe đạp cũng dễ dàng quan sát và ghi nhận những diễn biến về các loài động, thực vật trên đường đi”, ông Tùng cho hay.

Dù vậy, tuần tra rừng bằng xe đạp cũng có cái khó riêng, bởi đường trong rừng chỉ là những lối mòn chật hẹp, gồ ghề đầy dốc và chướng ngại vật. Có những con suối cạn sâu hoắm, các kiểm lâm phải vác xe lên vai mới qua được. Từ khi sử dụng xe đạp tuần tra, các kiểm lâm viên cũng thành những thợ sửa chữa xe vì ở trong rừng xe rất dễ hỏng hóc. Mỗi tốp kiểm lâm khi đi tuần đều mang theo những dụng cụ sửa chữa xe đạp, lỡ quên không mang theo mà chẳng may xe hỏng hóc thì phải vác xe về.

Dù không phải những vận động viên xe đạp chuyện nghiệp, nhưng dưới cái nắng như chảo rang của rừng khộp mùa khô, đường sá gồ ghề vẫn phải đạp xe 40 km - 50 km/ngày thì không phải ai cũng làm được. Kiểm lâm viên Trần Xuân Hòa (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn) khẳng định: “Đi tuần bằng xe đạp ngoài mang lại hiệu quả trong công việc, thì bản thân mỗi kiểm lâm cũng được rèn luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe”.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc