Multimedia Đọc Báo in

Tìm "ánh sáng" cho người mù

08:38, 18/04/2017

Để động viên, khích lệ, tiếp thêm nguồn lực cho người mù, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó đem lại “ánh sáng” giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Năm 2002, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1949) ở tổ dân phố 8, (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) bị cát bay vào mắt gây mù mọi việc lớn nhỏ trong nhà dồn cả lên đôi vai vợ. Khó khăn càng thêm chồng chất khi vợ ông bị tai nạn và mất vào năm 2006. Các con khôn lớn, lần lượt lập gia đình, chỉ còn ông và người con trai đầu bị liệt nửa người chăm lo cho nhau, sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. Căn nhà gỗ cũ của gia đình ông ngày càng xiêu vẹo, dột nát.

Chia sẻ khó khăn đó, năm 2014, Hội Người mù tỉnh đã vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đắk Lắk hỗ trợ 40 triệu đồng, con cháu, anh em dòng họ đóng góp thêm để xây dựng căn nhà Tình nghĩa rộng 45 m2, trị giá trên 80 triệu đồng. Ông Đức chia vui: “Hội không chỉ vận động hỗ trợ tiền mà còn đứng ra hợp đồng với nhà thầu xây dựng, giám sát công trình. Từ ngày có căn nhà xây kiên cố, bố con tôi không còn lo lắng mỗi khi mưa gió”.

Cơ sở xoa bóp Niềm tin tạo việc làm ổn định cho người khiếm thị.
Cơ sở xoa bóp Niềm tin tạo việc làm ổn định cho người khiếm thị.

Năm 26 tuổi, anh Cao Danh Quyền, hiện là chủ Cơ sở xoa bóp Niềm tin (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) bị bệnh bong võng mạc khiến đôi mắt mờ dần và trở thành người khiếm thị. Qua một số người quen biết giới thiệu, anh đã tìm đến và xin kết nạp vào Hội Người mù tỉnh.

Năm 2008, được sự quan tâm, giúp đỡ của Hội, anh theo học nghề kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt ở tỉnh Khánh Hòa. Năm 2013, anh Quyền và 3 người cùng cảnh ngộ đã đóng góp vốn mở Cơ sở xoa bóp Niềm tin, tạo việc làm cho 7 người với thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng. Anh Y Doan Arul, một nhân viên tại đây cho biết, nhờ có cơ sở xoa bóp này, những người khiếm thị như anh mới có cơ hội được làm việc, tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Để hỗ trợ, giúp đỡ người mù, ngày 3-4-2002, UBND tỉnh đã thành lập Hội Người mù tỉnh, đến nay có 4 cơ sở Hội với 456 hội viên. Những năm qua, các cấp Hội đã trở thành “cầu nối” huy động nguồn lực, mạnh thường quân, đơn vị, doanh nghiệp đóng góp giúp đỡ người mù.

Từ nguồn vốn của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Hội đã triển khai cho hội viên vay quay vòng với tổng số tiền trên 2,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 350 lượt hội viên. Bên cạnh đó, Tỉnh hội đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 7 lớp dạy nghề làm chổi, nhang cho 115 hội viên. Ngoài ra, hội còn cử hội viên tham gia các lớp xoa bóp bấm huyệt do Trung ương Hội Người mù Việt Nam và các tỉnh bạn tổ chức. Nhờ vậy đã hình thành 7 cơ sở xoa bóp do hội viên đứng ra quản lý, giải quyết việc làm trên 25 lao động, thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Tỉnh hội đã vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 21 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương cho hội viên gặp khó khăn về nhà ở, tặng sổ tiết kiệm cho 111 người, tặng trên 20.600 suất quà, trị giá 7,4 tỷ đồng cho hội viên vào dịp lễ, Tết…

Ông Lê Hữu Niên, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ: “Bản thân cũng bị mù nên tôi thấu hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi của những người bị mất đi ánh sáng. Trước đây, hầu hết họ đều mù chữ và sống phụ thuộc vào gia đình, nhưng thời gian qua, nhờ có tổ chức Hội tập hợp, hướng dẫn, tiếp thêm nguồn lực góp phần giúp người mù tìm lại “ánh sáng”, giảm bớt mặc cảm, tự ti vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ người mù nghèo đã giảm xuống còn 25%”. 

Mạnh Quyền


Ý kiến bạn đọc