Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: "Đưa buôn về gần phố"

10:05, 29/12/2017

Trong những năm qua, đầu tư phát triển các buôn dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm kéo gần khoảng cách giữa buôn với phố, giữa nông thôn với thành thị luôn là một trong những chủ trương, nhiệm vụ trọng tâm của TP. Buôn Ma Thuột.

Khởi sắc buôn làng

Những ngày cuối năm 2017, con đường ngõ xóm trước nhà anh Y Krâng Bkrông ở buôn Kom Leo (xã Hòa Thắng) được khởi công bê tông hóa khiến anh rất phấn khởi. Y Krâng còn vui hơn bởi cuộc sống của gia đình anh và nhiều hộ trong buôn đang thay đổi từng ngày. Trước đây, gia đình Y Krâng thuộc diện cận nghèo, năm 2014 anh được hỗ trợ nuôi bò theo Kế hoạch số 39/KH-UBND của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS. Từ một con bò được hỗ trợ và nhận nuôi thêm của các hộ xung quanh, đến nay gia đình anh đã có đàn bò 6 con, thoát khỏi diện cận nghèo và năm 2017 thì xây dựng được ngôi nhà mới trị giá hàng trăm triệu đồng.

Thi công xây dựng đường giao thông ở buôn Kmrơng Prông A  (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).
Thi công xây dựng đường giao thông ở buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).

Trong buôn Kom Leo còn có nhà Y Lang Byă, Y Bhông Kbuôr… cũng thoát khỏi diện nghèo, cận nghèo nhờ được hỗ trợ phát triển chăn nuôi; những hộ khác thì được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167. Bà con trong buôn còn được hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi thông qua các lớp tập huấn do các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể tổ chức. Ông Y Na Bkrông, phó buôn Kom Leo, cho biết: “Nhờ được hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế cao hơn trước kia rất nhiều; nhiều nhà có đàn bò 6-7 con, năng suất cà phê tăng lên 3-4 tấn/ha. Cả buôn có 270 hộ, 1.416 khẩu thì hiện chỉ còn 7 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Nhiều nhà khá giả có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, trung bình là 50 – 60 triệu đồng/năm”. Cuộc sống cải thiện, ý thức người dân trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng được nâng cao. Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con buôn Kom Leo đã đóng góp bê tông hóa được hơn 2,5 km đường giao thông trong thôn. Trong buôn có trường mẫu giáo, điểm trường tiểu học; nhiều đoạn đường đã có điện chiếu sáng.

Đến buôn Jù (xã Ea Tu) hôm nay, dễ thấy hình ảnh “phố trong buôn” với hầu hết đường trục buôn, đường ngõ xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa khang trang; được mắc điện chiếu sáng. Những năm gần đây, đời sống của người dân trong buôn đã khấm khá hơn trước rất nhiều, nhờ bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; thậm chí, bà con trong buôn còn năng động kiếm thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tiến tới hình thành làng nghề dệt thổ cẩm. Theo Trưởng buôn Y Mui Ađrơng, trong số hơn 620 hộ dân của buôn, hiện chỉ còn 48 hộ nghèo và 35 hộ cận nghèo; đặc biệt trong thời gian qua, nhờ được Nhà nước hỗ trợ nuôi bò, heo, xây dựng nhà ở nên nhiều hộ nghèo đã có động lực vươn lên thoát nghèo, như nhà Y Bi Êban được hỗ trợ cặp bò mẹ – con, đến nay đàn bò phát triển, đời sống ổn định hơn; nhà H’Lấc Êban, H’Ghin Ađrơng, H’Ning Ađrơng... được hỗ trợ chăn nuôi bò, xây nhà nay đã vươn lên thoát nghèo.

Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các buôn DTTS

TP. Buôn Ma Thuột có 33 buôn, 2 cụm dân cư và 6 thôn đồng bào DTTS. Trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các buôn nhằm nâng cao đời sống người dân, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, làm thay đổi diện mạo các buôn đồng bào DTTS theo hướng bền vững, bảo đảm sự liên kết hài hòa giữa các vùng. Trong đó, việc triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 4-8-2011 của Thành ủy Buôn Ma Thuột và Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 28-3-2012 của UBND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS đến năm 2015 đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Nhờ được hỗ trợ chăn nuôi bò, gia đình anh Y Bhông Kbuôr (buôn Kom Leo, Xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: H.Thủy
Nhờ được hỗ trợ chăn nuôi bò, gia đình anh Y Bhông Kbuôr (buôn Kom Leo, Xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã vươn lên thoát nghèo. 

Cụ thể, từ năm 2012 đến 2015, thành phố đã bố trí 12,3 tỷ đồng để hỗ trợ 870 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo, khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình, chủ yếu đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nghề dệt thổ cẩm…; góp phần giúp hàng trăm hộ thoát nghèo. Trong hai năm 2016, 2017, thành phố tiếp tục thu hồi và xoay vòng số vốn để hỗ trợ cho hàng chục hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn khác ở các buôn. Ngoài ra, thành phố còn chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân các buôn để ứng dụng vào sản xuất; xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả; phối hợp đào tạo nghề cho hàng nghìn người lao động DTTS… TP. Buôn Ma Thuột cũng đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS tương đối toàn diện.

Đồng chí Y Thanh Hà Niê Kdam, Bí thư Thành ủy, nhấn mạnh: Phát triển kinh tế - xã hội các thôn, buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS một cách đồng bộ, toàn diện tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian tới. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 15 ngày 8-6-2017 về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Trong bốn chương trình trọng tâm của thành phố về phát triển kinh tế, nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo tồn văn hóa đều có những nội dung trọng tâm, ưu tiên cho vùng DTTS như: tạo nguồn và sử dụng cán bộ người DTTS; đầu tư phát triển sản xuất vùng DTTS; hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng DTTS và tập trung bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Hiện 100% trục đường giao thông chính trong các buôn đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; các đường trục chính ở 33 buôn đã có hệ thống điện chiếu sáng; hơn 93% số hộ dân được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 100% trường học, lớp học mẫu giáo trong các buôn được kiên cố hóa; 100% nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng có trang thiết bị; 100% buôn có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao.


Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.