Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Krông Búk

08:08, 21/07/2018

Huyện Krông Búk hiện có khoảng 19.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 650 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Con số này cho thấy nhu cầu cần được quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ trẻ em của địa phương rất lớn. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở vật chất, thiếu sân chơi đã khiến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Đã 2 tháng trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến vụ tai nạn đuối nước thương tâm của con gái Hồ Trần P.T. (SN 2015), chị Trần Thị Thùy Linh ở thôn Ea Plai, xã Cư Né không cầm được nước mắt. Gia cảnh của vợ chồng chị rất khó khăn. Chồng làm bảo vệ với đồng lương ít ỏi, chị mở một quán bán nước giải khát gần nhà để tiện việc trông con, lo nội trợ và chăm sóc mảnh vườn nhỏ. Đầu tháng 5 – 2018, hai vợ chồng vừa tranh thủ hái tiêu vừa bán quán nên không hay biết cháu P.T. đi vào vườn rồi bị té xuống hồ tưới của gia đình tự đào tử vong. “Biết nhà mình có hồ tưới nguy hiểm nên vợ chồng tôi đã rào lưới B40 xung quanh và đóng cổng mỗi khi ra vào vườn. Hôm ấy, chỉ một phút bất cẩn, chúng tôi đã mất đi con gái út của mình, thật quá đau lòng”, chị Linh nói trong nước mắt.

Khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi tại một Trường Mầm non tư thục trên địa bàn xã Cư Né, Krông Búk.
Khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi tại một Trường Mầm non tư thục trên địa bàn xã Cư Né, Krông Búk.

Hiện chị Linh cũng đang rất lo lắng cho 2 con trai của mình, bởi ngoài thời gian đi học hè, hai anh em Hồ Trần Gia Bảo (SN 2008) và Hồ Trần Gia Nguyên (SN 2011) chỉ biết rủ nhau chơi đá bóng, bắn ná, bắn bi với các bạn trong xóm. Điều đáng nói, khu vực các em chơi là bãi đất trống ngay sát tuyến đường Quốc lộ 14, lưu lượng xe cộ qua lại rất đông, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng thôn Ea Plai cho biết, trên địa bàn chưa có sân chơi cho trẻ em nên phần lớn các cháu tự tìm cách chơi với nhau hoặc phụ bố mẹ làm nương rẫy. Trong khi đó, hệ thống ao, hồ do người dân tự đào phục vụ tưới tiêu trên địa bàn nhiều, nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Krông Búk đã xảy ra 234 vụ tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có 7 trường hợp tử vong do đuối nước.

Trên địa bàn xã Cư Né hiện có trên 4.000 trẻ em, trong đó có 315 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Theo ông Y Huấn Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã, số lượng trẻ em đông nhưng nguồn kinh phí dành cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em rất hạn chế nên UBND xã chỉ có thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp với các trường học tổ chức cho các em sinh hoạt hè. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chưa đều, nội dung, hình thức chưa thực sự phong phú để thu hút đông đảo các cháu tham gia.

Do thiếu sân chơi, nhiều trẻ em của huyện Krông Búk phải tự tìm kiếm niềm vui trong những ngày hè.
Do thiếu sân chơi, nhiều trẻ em của huyện Krông Búk phải tự tìm kiếm niềm vui trong những ngày hè.

Ông Trần Minh Trân, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Krông Búk cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở huyện còn bất cập, hạn chế là do nguồn kinh phí phục vụ công tác này còn eo hẹp, khoảng 100 triệu đồng/năm cho tất cả các hoạt động. Trong khi đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện được thành lập từ năm 2009 nhưng nguồn vận động được mỗi năm chẳng đáng là bao, thậm chí năm 2016 và 2017 tạm ngừng vận động vì chưa có chủ trương. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ nhận thức của người dân chưa cao… cũng là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khó khăn trong thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.

Theo ông Trần Minh Trân, Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các gia đình về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đồng thời tham mưu UBND huyện về chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện và huy động xã hội hóa nguồn lực xây dựng các khu vui chơi trẻ em ở các địa phương để các cháu có thêm sân chơi lành mạnh, an toàn.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.