Multimedia Đọc Báo in

Chuyện bà thợ sửa xe trên hè phố...

08:21, 15/10/2018
Hơn 12 năm nay, người dân sống ở khu vực ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu - Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ trung niên dáng người gầy guộc cặm cụi mưu sinh bằng nghề “mặc định” dành cho đàn ông -  nghề sửa xe.

Bà là Nguyễn Thu Huyền (SN 1967) ở tỉnh Hưng Yên, năm hơn 20 tuổi bà vào Đắk Lắk lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn nên bà làm đủ nghề từ đi buôn đến bán bún phở, bánh mì… để có tiền trang trải cho cuộc sống. Vài năm sau, bà lấy chồng, bi kịch xảy ra khi những người con lần lượt qua đời, người chồng cũng bỏ đi biệt tích.

Bà Huyền  đang vá xe cho khách.
Bà Huyền đang vá xe cho khách.

Năm 2006, bà gặp người chồng thứ hai, ông làm nghề sửa xe tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Ngô Quyền. Từ đó, bà Huyền theo chồng kiếm sống bằng nghề sửa xe. Nhờ chăm chỉ học hỏi, làm việc cẩn thận nên bà thạo nghề rất nhanh, có thể giúp ông thay, sửa phụ tùng xe... khi khách đông. Cứ thế, hai vợ chồng nương tựa vào nhau mà sống. Những tưởng ở bên nhau lúc khó khăn thì sẽ gắn bó mãi mãi, nào ngờ năm 2013 chồng bà Huyền quyết định ly hôn để tìm hạnh phúc mới, để lại điểm sửa xe tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Ngô Quyền cho bà, còn ông mở một điểm sửa xe mới cũng ở TP. Buôn Ma Thuột.  Kể từ đó, dù ngày nắng hay mưa, một mình bà Huyền cọc cạch đẩy xe đồ nghề đến điểm sửa xe  từ sáng sớm và đến tối mịt mới lọ mọ về nhà. Ngày nào đắt hàng, bà kiếm được vài trăm nghìn đồng, còn ngày ít thì mấy chục nghìn đồng, nên bình quân thu nhập mỗi tháng cũng chỉ được vài triệu đồng, tằn tiện lắm mới đủ cho bà sắm thêm đồ nghề, chi tiêu sinh hoạt hằng tháng.

Bà Huyền trải lòng, đàn ông làm nghề sửa xe đã vất vả, phụ nữ bươn chải bằng nghề này lại càng vất vả hơn, suốt ngày chỉ quẩn quanh với xe cộ, dầu nhớt... Những ngày đầu, thấy bà chân yếu tay mềm, nhiều người e ngại không muốn ghé sửa xe, nhưng đáp lại  bà làm việc tận tâm, tỉ mỉ nên lâu dần đã có nhiều người tin tưởng tìm đến điểm sửa xe của bà để sửa. Không những thế, có nhiều người yêu mến và tìm đến bà để xin học nghề. Bà Huyền nói trong niềm vui: “Có người bỏ nhà ở huyện Cư M’gar lên TP. Buôn Ma Thuột lang thang, tình cờ gặp và được tôi giúp đỡ cho ăn ở, học nghề để có trong tay cái nghề mà kiếm sống”. Tính đến nay bà Huyền đã giúp đỡ cho 5 học trò thành nghề.

Điểm sửa xe của bà Huyền tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu – Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột).
Điểm sửa xe của bà Huyền tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu – Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột).

Gắn bó với nghề sửa xe hơn chục năm, niềm vui cũng có mà chuyện dở khóc dở cười cũng không hiếm - bà Huyền chia sẻ. Có nhiều người mang xe đến sửa nhưng lại không có tiền để trả, gửi lại một số “vật làm tin” như bảo hiểm xe, quần áo…, thậm chí chỉ là một “lời hứa” rồi mặc nhiên chẳng mấy thấy ghé lại lấy đồ và trả tiền. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác bà Huyền vẫn cho khách nợ chứ chưa từ chối sửa xe cho bất kỳ ai. Nhiều lần thấy người đi đường bị thủng xăm mà không có tiền vá nên không dám dắt xe vào, bà Huyền đã gọi vào vá miễn phí. Có trường hợp bà Huyền nhớ mãi, hôm đó một thanh niên uống say đưa xe đến sửa rồi nhiều ngày liền không đến lấy khiến bà lại phải dắt xe đến công an phường nhờ tìm chủ phương tiện. “Cuộc đời mình đã vất vả quá rồi nên giúp được ai cái gì thì giúp chứ không tính toán gì”, bà Huyền tâm niệm. Có lẽ vậy mà nhiều người đã tin tưởng mang xe đến chỗ bà để sửa, vào các dịp lễ, tết một số người từng được bà giúp đỡ lại ghé đến điểm sửa xe của bà nơi góc phố khi thì mừng tuổi, khi thì hỏi thăm nên bà rất vui.

Thùy Dung

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.